EPF2019

Nhà đầu tư trì hoãn thu phí tự động không dừng: Không thể thấy lợi ích thì lao vào, khó thì đòi trả lại

Triển khai các dự án thu phí tự động không dừng (ETC) đảm bảo tính minh bạch trong công tác quản lý doanh thu tại các trạm BOT, phòng chống tiêu cực trong vận hành, khai thác. Tuy nhiên, thời điểm 31/12 gần kề, trong khi việc triển khai ETC trên toàn quốc vào giai đoạn nước rút thì hàng loạt trạm BOT trì hoãn việc thực hiện; VETC còn đề xuất dừng để chuyển giao cho nhà đầu tư khác hoặc đề nghị Nhà nước nhận lại dự án. 

TUYẾT NHI

Sau 5 năm thực hiện dự án thu phí không dừng giai đoạn I với tổng mức đầu tư 2.030 tỷ đồng, đại diện Công ty TNHH Thu phí tự động VETC cho biết, mới có 11/44 trạm ký được phụ lục hợp đồng và hợp đồng dịch vụ, còn lại 33 trạm chưa ký. Theo VETC, một số nhà đầu tư BOT chưa ký hợp đồng dịch vụ, không bàn giao làn thu phí để thực hiện đầu tư hệ thống thu phí không dừng, không trả phí dịch vụ vận hành mặc dù trạm đã hoàn thành đầu tư và thực hiện nghiệm thu. Ngoài ra, nhà đầu tư BOT chưa đồng ý tổ chức đàm phán hợp đồng, chưa đồng ý mức trích tỷ lệ sử dụng dịch vụ hoặc nhà đầu tư BOT đồng ý mức trích nhưng chờ sự đồng thuận từ ngân hàng tài trợ vốn…

Còn nhiều rắc rối với thu phí không dừng

Đại diện VETC cũng chia sẻ, lỗ lũy kế đến 30/9 của đơn vị là 300 tỷ đồng, do tỷ lệ ETC thấp, thực tế chỉ đạt khoảng 10% so với kế hoạch. Đến nay, CTCP Tasco (đơn vị liên doanh với VETC) đã phải cung ứng vốn tương ứng với số lỗ lũy kế để bù đắp dòng tiền duy trì công tác vận hành. Nếu hết năm 2020 chỉ triển khai được 36 trạm, doanh nghiệp lỗ lũy kế cho công tác vận hành khoảng 580 tỷ đồng.

Theo PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), dự án ETC thuộc loại hình hợp đồng đối tác công – tư BOO (xây dựng – sở hữu – vận hành). Nhà đầu tư BOO không thể cứ thấy lợi ích thì lao vào, khó thì đòi trả dự án hay chia sẻ rủi ro. Để triển khai được hợp đồng BOO, giữa VETC và nhà đầu tư BOT phải ký phụ lục hợp đồng do phát sinh chi phí nhất định cho việc lắp đặt hệ thống ETC. “Nhà đầu tư BOT phải tuân thủ hợp đồng dự án, nếu không ký phụ lục hợp đồng, thì không thể thực hiện được. Nhà đầu tư BOO cũng phải tìm ra giải pháp, cách thức để thu hút những người sử dụng dịch vụ này”, Chủ tịch VARSI chỉ rõ. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư BOT lo ngại trường hợp bên cung cấp dịch vụ ETC gặp rủi ro về tài chính, thì thiệt hại đầu tiên thuộc về các nhà đầu tư BOT…

Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Nguyễn Văn Huyện cũng khẳng định, nhà đầu tư vẫn phải thực hiện hợp đồng đã ký kết, không thể xin dừng hay xin trả lại dự án. Tại các trạm thu phí đường bộ hiện đã cơ bản hoàn thành lắp đặt các biển báo hiệu trên giá long môn, sơn phân làn đường dẫn vào làn ETC. Tuy nhiên, qua camera giám sát và phản ánh của các trạm, nhiều phương tiện chưa chấp hành nghiêm đi theo biển báo phân làn ETC cho loại xe của mình khi qua trạm, gây ùn tắc cục bộ, giảm năng lực thông xe cho các làn ETC.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện

Để bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt tại khu vực các trạm thu phí, Tổng cục Đường bộ vừa gửi Công văn 7217/TCĐBVN-PCTT tới các nhà đầu tư BOT đường bộ, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) và các Cục Quản lý đường bộ I, II, III, IV yêu cầu kiểm tra, xử lý các phương tiện có hành vi vi phạm tại trạm thu phí khi bố trí làn ETC.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 46/2016/CP đang được Bộ GTVT lấy ý kiến, hoàn thiện trình Chính phủ. Trong đó, bổ sung xử phạt đối với hành vi lái xe không dán thẻ đi vào làn thu phí không dừng. Cụ thể, hành vi “điều khiển xe chưa gắn thẻ đầu cuối đi vào làn đường dành riêng thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí” bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng lái xe từ 1-3 tháng, nếu gây tai nạn giao thông tước bằng lái xe từ 2 đến 4 tháng. Từ ngày 15/11, các lực lượng thực hiện nhắc nhở đồng loạt tại các trạm thu phí trên Quốc lộ 1.

Bộ GTVT cũng đưa ra hàng loạt giải pháp tập trung thực hiện để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, đối với dự án giai đoạn 1, thực hiện quyết liệt giải pháp phân luồng giao thông tại các trạm trên Quốc lộ 1 và một số trạm cửa ngõ các thành phố lớn để khuyến khích chủ phương tiện dán thẻ và tham gia dịch vụ, tăng cường hiệu quả của hệ thống. Đẩy nhanh tiến độ đàm phán hợp đồng dịch vụ, lắp đặt thiết bị, bàn giao công tác quản lý thu phí và trích chi phí quản lý thu phí tự động theo phương án tài chính của dự án. Cục đăng kiểm, các cơ quan đơn vị liên quan tiếp tục dán thẻ cho các phương tiện. Phối hợp với VETC để tăng cường năng lực thông qua phương án bổ sung các nhà đầu tư có năng lực tham gia dự án ETC như đề xuất của VETC. Hoàn thiện việc kết nối liên thông tài khoản cá nhân tại các ngân hàng thông qua cổng thanh toán điện tử…

Nguồn: TBKTVN số 278, ra ngày 20/11/2019- Trang 4