(PLVN) – Khẳng định đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt không còn đơn thuần như trước đây là tăng sự luân chuyển vốn, minh bạch chống rửa tiền… mà nếu làm tốt sẽ thúc đẩy nền kinh tế internet, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, để làm được điều đó cần sự đồng lòng của Nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp và người dân. Đây cũng là cơ hội thúc đẩy nền kinh tế internet nhiều tiềm năng.
Thanh Thanh – Sơn Văn
Thay đổi cách nhìn thanh toán không dùng tiền mặt
Phát biểu tại Diễn đàn Phát triển hệ sinh thái thanh toán điện tử 2019 diễn ra hôm qua (10/12) tại Hà Nội với chủ đề “Chuyển động cùng công nghệ CHIP”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết về Cách mạng 4.0, Chính phủ cũng có nhiều Nghị quyết, Chiến lược, Chỉ thị, Quyết định của Thủ tướng.
“Làm sao tận dụng tốt thời cơ của Cách mạng 4.0, để Việt Nam không bị bỏ lỡ nhưng phải bằng hành động cụ thể?”, Phó Thủ tướng trăn trở và nhấn mạnh, việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt không còn đơn thuần như trước đây là nhằm tăng sự luân chuyển đồng vốn trong toàn xã hội, không để đồng tiền bị chết, không chỉ là vấn đề minh bạch chống rửa tiền, tham nhũng, mà nếu làm tốt thì sẽ thúc đẩy nền kinh tế internet lên.
“Nền kinh tế khu vực Đông Nam Á rất năng động, kinh tế internet quy mô 100 tỷ USD, dự kiến 5 năm tới tăng gấp 3 lần. Vậy Việt Nam đang ở đâu?”, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi và cũng nhân dịp bàn về chủ đề này, Phó Thủ tướng đã kể lại câu chuyện cách đây 30 năm. Khi đó cả thế giới có công nghệ GSM, công nghệ số, những nước trong khu vực như Thái Lan dùng công nghệ tương tự công nghệ này và sẵn sàng chuyển giao không mất tiền cho Việt Nam. Nhưng Việt Nam đã từ chối để đi thẳng vào công nghệ GSM 2G.
“Việt Nam là một trong những nước tiên phong và có kết quả… Phải chăng bây giờ chúng ta cũng tương tự như vậy? Chúng ta có thể bàn về công nghệ nhưng chắc chắn nếu mạnh dạn tiến thẳng lên 1 bước thì sẽ không bị lỡ…”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Liên hệ với câu chuyện chuyển từ công nghệ từ sang công nghệ CHIP, Phó Thủ tướng cho rằng, để làm việc này cần sự đồng lòng, không chỉ cơ quan nhà nước mà cần bàn sâu sát với doanh nghiệp, bởi đây cũng là phần trách nhiệm của doanh nghiệp với đất nước, với xã hội: “Chúng ta phải thay đổi cả hạ tầng, sẽ là sự tốn kém nhưng nếu cần thiết cho đất nước phát triển thì sự tốn kém ấy về lâu dài bù đắp lại kinh tế xứng đáng. Quan trọng đó cũng là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, của ngân hàng”, Phó Thủ tướng nói.
Vận động người dân tham gia nhiều hơn
Đề cập đến vai trò của người dân, Phó Thủ tướng cho rằng: “Người Việt Nam có câu “đồng tiền đi liền với khúc ruột”, an toàn an ninh trong thanh toán trong đồng tiền với người dân là thiết thực. Đẩy mạnh thanh toán điện tử, tận dụng thời cơ kinh tế số, chúng ta thúc đẩy và phải làm sao để mọi người dân thấy lợi, cùng tham gia vào”.
Lãnh đạo Chính phủ cũng đề cập đến một bộ phận người dân chưa có tài khoản ngân hàng, nhất là nông dân người nghèo vẫn nghĩ rằng có tài khoản là cái gì đó không dành cho mình. “Chúng ta phải đẩy mạnh công nghệ, tiến tới tất cả các thông tin được tích hợp, từ nhân thân, bảo hiểm, y tế, ngân hàng phải được liên thông và kết nối. Và để làm được chúng ta còn phải cố gắng rất nhiều, cả kể việc xem xét thời điểm và cùng với đó là chương trình mọi người dân dù nghèo đều phải có Smartphone. Phải vận động giải thích người dân cùng tham gia”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Những năm trước, Chính phủ đã có chỉ đạo rõ tiền thuế, bảo hiểm, điện lực, viễn thông phải thanh toán không dùng tiền mặt. Đầu năm nay, Chính phủ cũng quyết định bắt buộc 2 ngành liên quan đến người dân nhiều nhất là Giáo dục, Y tế phải triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.
Khó khăn chuyển đổi sang thẻ chip
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 30/9, giá trị thanh toán qua POS tăng 36,5% so với cùng kỳ; số lượng thẻ đạt 96,4 triệu chiếc; hơn 19.000 cây ATM… Đây là những cơ sở để thúc đẩy thanh toán điện tử mobile banking, internet banking. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang thẻ chip cũng đang là nội dung mới, còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra.
Nguyên nhân chủ yếu hiện nay là do chi phí ngân hàng lớn. Đầu tư công nghệ cũ cần có một thời hạn khấu hao, trong khi đó, khi áp dụng thẻ chip, hệ thống về công nghệ phải thay đổi, hệ thống đầu cuối, cây ATM, hệ thống POS phải thay đổi. Ngoài ra, khi chuyển sang thẻ chip, ngân hàng phải thay đổi một loạt máy móc, chi phí phát hành thẻ chip cũng cao hơn thẻ từ rất nhiều.
Tuy nhiên, các ngân hàng đều nhận thấy rằng cần thiết phải chuyển đổi và quyết tâm chuyển thẻ từ sang thẻ chip, biến thách thức thành cơ hội với việc tích hợp, đồng bộ thanh toán được nhiều chi phí như giáo dục, y tế, bảo hiểm… Đến nay, đã có hơn 20 ngân hàng và 6 tổ chức cung cấp thẻ chip, dự kiến hết quý I/2020 con số này lên tới 26 ngân hàng, 10 công ty cung cấp thẻ chip.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho rằng thúc đẩy thanh toán điện tử hướng tới xã hội không tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tạo ra tác động kép vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa hỗ trợ thực hiện chiến lược tài chính toàn diện thông qua phổ cập dịch vụ ngân hàng – tài chính.
baophapluat.vn/kinh-te/day-manh-thanh-toan-dien-tu-co-hoi-thuc-day-kinh-te-internet-484053.html