EPF2019

Chuyển đổi thẻ chip như… chạy điền kinh ở SEA Games 30

thẻ chip thẻ từ thanh toán không dùng tiền mặt chuyển đổi thẻ chíp

Các ngân hàng Việt đang bắt đầu chạy đua chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip. Sự chuyển đổi này không chỉ thực hiện yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước là phải hoàn thành trong năm 2020, mà còn để chiếm lĩnh khách hàng, vốn đang thay đổi thói quen tiêu dùng từng ngày.

THÙY LIÊN

Quẹt thẻ sắp thành lạc hậu, “một chạm” mới là xu thế

Phát biểu tại Diễn đàn Phát triển Hệ sinh thái thanh toán điện tử 2019: Chuyển động cùng công nghệ chip diễn ra vào ngày 10/12, ông Từ Tiến Phát, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP ACB nói vui: “Cuộc đua chuyển đổi thẻ chip của ngân hàng giống như cuộc thi đấu điền kinh tại SEA Games 30.

Việc chuyển đổi không chỉ thực hiện cam kết với Ngân hàng Nhà nước (phải hoàn thành trong năm 2020) mà quan trọng nhất là để thực hiện cam kết với khách hàng: sản phẩm thẻ phải tiện dụng, an toàn. Chính vì vậy, ACB là một trong những ngân hàng đầu tiên hoàn thành lộ trình liên quan chấp nhận thẻ chip trên 850 máy ATM, dự kiến đến hết năm 2020 sẽ chuyển đổi xong toàn bộ hệ thống máy POS”.

Nếu như với thẻ từ, khách hàng thanh toán phải thực hiện bằng quẹt thẻ, in hóa đơn, ký thì với thẻ chip, chỉ cần đưa thẻ “chạm” vào máy POS là việc thanh toán được hoàn tất, không cần thêm bất kỳ thủ tục nào. Chính vì sự tiện lợi nên xu hướng quẹt thẻ ngân hàng để thanh toán giờ đây đã trở thành lỗi thời tại nhiều quốc gia, trong khi xu thế thanh toán “một chạm” lên ngôi nhờ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thẻ chip.

Tại Việt Nam, sự chuyển đổi này được các ngân hàng triển khai tích cực. Ông Nguyễn Quang Hưng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) cho hay, tháng 5/2019 mới có 7 ngân hàng sẵn sàng chuyển đổi thẻ chip và 5 đơn vị cung cấp thẻ trắng (phôi thẻ), song hiện tại đã hơn 20 ngân hàng sẵn sàng chuyển đổi và 6 đơn vị cung cấp thẻ trắng. Đến quý I/2020, con số này sẽ lên tới 26 ngân hàng 10 công ty cung cấp thẻ trắng.

Cuộc chơi tốn kém song không thể đứng ngoài

So với nhiều nước trên thế giới, chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip ở Việt Nam diễn ra khá chậm, nguyên nhân lớn nhất là do chi phí.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng LienvietPostbank cho biết, đầu tư công nghệ cũ cần có một thời hạn khấu hao, trong khi đó, khi áp dụng thẻ chip, hệ thống core thẻ phải thay đổi, hệ thống đầu cuối, cây ATM, hệ thống POS… cũng phải bỏ và đầu tư hệ thống mới có thể nhận diện chip. Chưa kể, thay đổi thẻ chip lại cho khách hàng cũng cần thời gian.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:
Người Việt Nam có câu đồng tiền đi liền với khúc ruột, an toàn an ninh trong thanh toán trong đồng tiền với người dân là thiết thực. Đẩy mạnh thanh toán diện tử, tận dụng thời cơ kinh tế số, chúng ta thúc đẩy và phải làm sao mọi người dân thấy lợi tham gia vào.
Chúng ta phải đẩy mạnh công nghệ, tiến tới tất cả các thông tin được tích hợp, từ nhân thân, bảo hiểm, y tế, ngân hàng phải được liên thông và kết nối. Và để làm được chúng ta còn phải cố gắng rất nhiều, cả kể việc xem xét thời điểm và cùng với đó là chương trình mọi người dân dù nghèo đều phải có smartphone. Phải vận động giải thích người dân cùng tham gia

Đồng quan điểm, theo ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank, khi chuyển sang thẻ chip, ngân hàng phải thay đổi một loạt máy móc, chi phí phát hành thẻ chip cũng cao hơn thẻ từ rất nhiều.

Tuy nhiên, các ngân hàng đều nhận thấy rằng cần thiết phải chuyển đổi và quyết tâm chuyển thẻ từ sang thẻ chip, biến thách thức thành cơ hội. Làm sao để thẻ chip có thể tích hợp, đồng bộ thanh toán được nhiều chi phí như giáo dục, y tế, bảo hiểm chứ không chỉ đơn thuần từ giữ tài khoản ATM.

Một vấn đề nữa là để ngân hàng có động lực chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip, cần có một hệ sinh thái thanh toán không dùng tiền mặt.

Còn theo Giám đốc Napas, để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt phải diễn ra từ hai phía, ngân hàng phát hành thẻ và nơi cửa hàng bán lẻ, phương tiện thanh toán công cộng, nơi chấp nhận thẻ thì hệ sinh thái mới hoàn chỉnh. Napas định hướng phát triển thanh toán thẻ đều đi trên cả 2 khía cạnh đó.

“Napas cùng các ngân hàng một mặt chuyển đổi thẻ từ sang chip, mặt khác, cùng các ngân hàng đi đến các điểm thanh toán để chấp nhận thẻ chip. Điển hình là lễ ký hôm nay đã có xăng dầu, bệnh viện. Toàn dân Việt Nam ai cũng mua xăng dầu, 99% dùng tiền mặt, ôtô thì dùng 1 triệu, xe máy thì 50.000 – 80.000 đồng. Trong hạn mức đó thẻ contactless không tiếp xúc rất hữu ích, vào bơm xăng chỉ cần chạm cái rồi đi ngay. Đó là những thứ Napas đang cùng ngân hàng đi tìm thị trường lớn như Petrolimex để phổ biến người dân sử dụng thẻ chứ không chỉ đơn thuần là rút tiền”, ông Hưng nói.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, chuyển đổi thẻ thanh toán nội địa từ thể từ thẻ từ sang thẻ chip là một trong những nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Đề án phát triển thanh toán không tiền mặt. Triển khai nhiệm vụ này, ngày 5/10/2018, Thống đốc ngân hàng Nhà nước đã ban hành bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa, quy định chi tiết kỹ thuật thẻ nội địa Việt Nam tương thức chuẩn của EMV quốc tế, ngăn ngừa giả mạo thẻ trong môi trường vật lý qua các kênh ATM, POS.

“Ngân hàng Nhà mước cũng mong muốn các bên tăng cường học hỏi trao đổi thúc đẩy lĩnh vực thẻ Việt Nam theo xu hướng thế giới đảm bảo an ninh, an toàn phát triển bền vững, dân cư ứng dụng kịp thời thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0, đem lại tiện lợi cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà phát triển tính năng thanh toán mới, mở ra cơ hội thẻ nội địa hội nhập quốc tế”, Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh bày tỏ.

Tại Diễn đàn, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Đại diện Bộ Y tế, các bệnh viện cũng ký cam kết thanh toán không dùng tiền mặt với các ngân hàng.

infomoney.vn/chuyen-doi-the-chip-nhu-chay-dien-kinh-o-sea-games-30-d112654.html