EPF2019

Vé điện tử xe buýt: Thí điểm thành công nhưng vẫn cần chính sách kích cầu

Việc thanh toán vé xe buýt không tiền mặt là xu hướng tất yếu…

KIỀU LINH

Việc thanh toán vé xe buýt không tiền mặt là xu hướng tất yếu, cả người dân, quản lý nhà nước và doanh nghiệp đều được hưởng lợi từ việc triển khai dịch vụ này.

Hà Nội thí điểm thành công

Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và hiện đại hóa việc thanh toán không tiền mặt trên các tuyến xe buýt, theo chủ trương của UBND thành phố Hà Nội, từ ngày 10/10/2018, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã đưa vào sử dụng vé điện tử để phục vụ hành khách trên tuyến buýt BRT Kim Mã – Yên Nghĩa.

Theo đó, thay vì sử dụng vé giấy, hành khách đi lại trên tuyến buýt nhanh BRT 01 Kim Mã-Bến xe Yên Nghĩa sẽ được sử dụng loại Thẻ vé điện tử thông minh làm bằng chất liệu nhựa tổng hợp (NFC) có gắn chíp điện tử. Thẻ vé điện tử được đánh giá là phương thức thanh toán hiện đại, tiện lợi cho việc giao dịch và nạp thẻ của hành khách, kiểm soát doanh thu.

Đồng thời giúp cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị vận hành thu thập thông tin về nhu cầu đi lại phục vụ công tác quy hoạch mạng lưới tuyến, điều chỉnh dịch vụ hợp lý nhằm khuyến khích, thu hút người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng.

Tuy nhiên, sau 10 tháng triển khai thí điểm, từ tháng 8/2019 vừa qua, Tổng công ty Vận tải Hà Nội chính thức cho tạm dừng việc sử dụng vé điện tử thông minh trên toàn tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã – Yên Nghĩa.

Đánh giá về tính thuận tiện của thẻ vé điện tử, chị Mai Hường (đường Trần Phú, quận Hà Đông) nói: “Phải thừa nhận, dùng thẻ điện tử nhanh chóng và tiện lợi, không phải mất khâu trung gian mua vé bằng tiền mặt với nhân viên như trước, trong khi đó, không phải lúc nào cũng sẵn sàng có tiền mặt, tiền lẻ để mua vé. Tôi đã quen với việc dùng vé điện tử, bây giờ quay trở lại dùng vé giấy lại thất bất tiện và không quen”.

Theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản – JICA, với lần thí điểm thứ 3 này (trước đó, Hà Nội đã thí điểm 2 lần) hệ thống vận hành cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra, như thời gian giao dịch nhanh, hành khách sau những bỡ ngỡ ban đầu đã thích nghi tốt, từ đó lượng khách sử dụng thẻ vé tăng qua từng tháng; 100% lượng khách được kiểm soát; dữ liệu chuyến đi được cập nhật bảo đảm an toàn, chính xác, phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý của doanh nghiệp cũng như quản lý nhà nước…

Với các mục tiêu như vậy, có thể khẳng định mục tiêu của việc thí điểm đã thành công.

… nhưng vẫn còn nhiều bất cập

Không thể phủ nhận những ưu điểm mà thẻ vé điện tử mang lại, song nhiều hành khách cũng cho rằng, sau một thời gian thí điểm hệ thống vé điện tử còn nhiều bất cập như những ngày mưa, ẩm ướt đầu đọc thẻ lắp trong nhà chờ xe buýt nhiều lúc còn không đọc được thẻ.

Trong khi đó, nhiều hành khách cho biết rất muốn sử dụng thẻ điện tử để đi lại cho thuận lợi nhưng không có email, không có tài khoản ngân hàng, không dùng điện thoại thông minh nên rất khó khăn trong quá trình tạo tài khoản và sử dụng thẻ này.

Một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông công cộng cho rằng, việc thông tin tuyên truyền về loại thẻ mới này chưa đầy đủ, nên vẫn nhiều hành khách chưa biết đến, và không ít người e ngại sử dụng, nhất là sợ xảy ra những trục trặc phiền phức về tiền bạc. Hơn nữa, phần lớn hành khách dùng vé tập, vé tháng đi lại trên toàn hệ thống xe buýt, trong khi thẻ xe buýt thông minh mới chỉ áp dụng cho một số tuyến.

“Nếu muốn giải quyết vấn đề thì chúng ta phải liên thông chứ một người bỏ trong túi cả một nắm thẻ thì không mấy ai hài lòng. Chúng ta nên nghiên cứu để làm thế nào thẻ đó giống như thẻ nhà băng, không riêng gì cho xe buýt mà có thể dùng cho cả tàu điện ngầm, đường sắt trên cao, các bãi đỗ xe và tất cả các hoạt động khác của xã hội để có có thể nâng cao hiệu quả quản lý xã hội một cách minh bạch hơn”, vị này nói.

Đồng quan điểm, chuyên gia giao thông, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thuỷ cho rằng, do thói quen dùng tiền mặt của người dân khiến việc tiếp cận thẻ khó khăn. Do đó, muốn thành công cần phải có lộ trình, khuyến khích người dân như giảm giá vé điện tử… Đồng thời, cần có sự quyết tâm của cả người dân, không chỉ ngành giao thông mà cả ngành tài chính, ngân hàng. Cần tập trung nguồn lực để hoàn thiện khung chính sách, chuẩn bị về hạ tầng trang thiết bị, phân phối, thanh toán và kiểm soát thẻ.

Trao đổi với báo giới, Nguyễn Quang Minh – Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần thanh toán Quốc gia (Napas), nhìn nhận, việc hệ thống ngân hàng đang phải chuyển đổi hệ thống thẻ từ sang thẻ chip sẽ là điều kiện thuận lợi để triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong giao thông công cộng.

Bởi theo quy định hiện nay, tốc độ tiêu chuẩn giao dịch thanh toán trong ngành giao thông công cộng phải đáp ứng yêu cầu dưới 0,3 giây/giao dịch. Do đó với thẻ ngân hàng sử dụng công nghệ chip không tiếp xúc có tốc độ xử lý nhanh, hoàn toàn đáp ứng yêu cầu áp dụng thanh toán điện tử trên xe buýt.

Ông Minh cũng cho biết Napas đang hợp tác với Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) thí điểm việc thanh toán vé xe buýt bằng thẻ ngân hàng sử dụng công nghệ chip trên 2 tuyến xe tại Hà Nội.

Dù không tiết lộ chi tiết 2 tuyến xe buýt dự kiến được thí điểm trong thời gian tới, song theo ông Nguyễn Quang Minh: “Ứng dụng thanh toán này sẽ rất tiện ích cho hành khách đi xe buýt, tiết kiệm chi phí in vé xe buýt và tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt trong cuộc sống”.