EPF2019

Bước tiến lớn trong liên thông, chia sẻ dữ liệu: Bảo hiểm xã hội kết nối hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch

Theo dự kiến, đến hết năm 2019 sẽ liên thông dịch vụ đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi cho tất cả các địa phương trên cả nước. Thông tin này được đưa ra trong buổi khai trương cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) kết nối với hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch qua hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương (NGSP) phục vụ liên thông khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, do Bộ TT&TT, Bộ Tư pháp, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vừa tổ chức.

ĐỖ PHONG

Ngày 22/5/2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định ban hành Danh mục CSDL quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử, trong đó CSDL quốc gia về bảo hiểm được xác định là 1 trong 6 CSDL quan trọng để tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử.

Ngành BHXH đã triển khai tạo lập, bổ sung và hoàn thiện CSDL kết nối liên thông đáp ứng nhu cầu quản lý của ngành và chia sẻ, kết nối giữa các bộ, ngành liên quan như thuế, y tế, hải quan, tài chính và LĐTB-XH… Cơ sở dữ liệu chuyên ngành của BHXH ngoài việc đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ và phục vụ người dân, doanh nghiệp còn phục vụ cho việc xây dựng CSDL quốc gia về bảo hiểm.

Hiện nay, Chính phủ, Bộ TT&TT và các bộ, ngành liên quan xác định CSDL về bảo hiểm là một thành phần quan trọng trong kiến trúc Chính phủ điện tử. Cùng với 5 CSDL quốc gia khác (CSDL về dân cư; đất đai; đăng ký doanh nghiệp; thống kê tổng hợp về dân số; tài chính), CSDL về bảo hiểm đóng vai trò góp phần kiến tạo nền tảng Chính phủ điện tử Việt Nam hiện đại, minh bạch, hiệu quả và liên thông.

Trong 3 năm qua, BHXH Việt Nam phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã cập nhật, duy trì, đảm bảo chất lượng và làm giàu dữ liệu để xây dựng một CSDL chuyên ngành. Cụ thể, dữ liệu nhân khẩu có hiệu lực đã được cấp mã số trong hệ thống cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế là hơn 97,4 triệu nhân khẩu. CSDL của người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp do BHXH Việt Nam đang quản lý là khoảng 14,9 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, 488 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện; 13,11 triệu người tham gia BHXH thất nghiệp và 85,24 triệu người tham gia bảo hiểm y tế. Cơ sở dữ liệu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với trung bình mỗi năm khoảng 170 triệu lượt khám chữa bệnh… Những cơ sở dữ liệu này đã giúp ngành BHXH cải cách thủ tục hành chính, nâng cao được chất lượng phục vụ…

Để khai thác cơ sở dữ liệu chuyên ngành BHXH, trong năm 2019, Bộ TT&TT đã phối hợp với BHXH Việt Nam, Bộ Tư pháp thực hiện thí điểm việc kết nối, chia sẻ thông tin qua Hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương (NGSP) để kết nối, chia sẻ thông tin đăng ký khai sinh phục vụ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định tại Thông tư liên tịch của Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Bộ Y tế.

Sau một tháng thực hiện thí điểm liên thông dữ liệu tại 13 tỉnh, thành phố gồm Lào Cai, Hải Dương, Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Hà Nam… đã có 15 nghìn trường hợp trẻ em được liên thông cấp giấy khai sinh và thẻ bảo hiểm y tế.

Việc kết nối hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch (phạm vi đến cấp phường/xã) với hệ thống cơ sở dữ liệu ngành bảo hiểm (phạm vi đến cấp quận/huyện) là một bước tiến lớn trong công tác kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương so với năm 2018. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, trên cả nước hàng ngày có khoảng 8.000 hồ sơ khai sinh cho trẻ em dưới 6 tuổi phát sinh mới có thể chuyển sang bảo hiểm xã hội để cấp thẻ bảo hiểm y tế, chiếm hơn 1% số giao dịch hành chính công giữa công dân với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn nhận định, việc xây dựng các CSDL nền tảng là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất để xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số. Đối với CSDL bảo hiểm xã hội, yêu cầu đặt ra là CSDL phải rất chính xác, theo đúng các trường thông tin. Điều quan trọng hơn cả là phải liên tục cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu, phải nuôi nó sống bởi nếu không chỉ sau 3-5 tháng, toàn bộ hệ thống CSDL sẽ lạc hậu, không còn chính xác, gây khó khăn cho các cơ quan thực hiện xác thực, làm ID cho công dân sau này.

Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cho biết, Bộ TT&TT sẽ ban hành sớm Nghị định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu. Theo kế hoạch, dự kiến trong tháng 12/2019, Bộ TT&TT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành.

TBKTVN số 282, ra ngày 25/11/2019 – Trang 13