EPF2019

Thanh toán điện tử trong y tế góp phần giảm tải các cơ sở khám chữa bệnh

Hiện nay, việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) tại các cơ sở y tế ở nước ta hầu hết là thu tiền mặt. Một số bệnh viện cũng đã áp dụng triển khai thanh toán điện tử (TTĐT) nhưng chưa đạt được hiệu quả cao do chưa có tính đồng bộ, giải pháp thanh toán còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của người dân.

MỸ PHƯƠNG

Quy trình KCB và thanh toán chi phí hiện nay thường qua 6 bước. Với việc thanh toán chi phí KCB bằng tiền mặt, riêng việc khám bệnh người dân đã mất 3, thậm chí 4 lượt xếp hàng, đặc biệt đối với bệnh viện tuyến cuối. Đối với bệnh nhân phải nhập viện thì lại tiếp tục việc xếp hàng nộp tiền vào viện, rồi đến khi ra viện lại xếp hàng nộp tiền chi phí KCB. Về phía bệnh viện, cũng phải bố trí nhiều cán bộ thu tiền và thanh toán chi phí KCB. Do số lượng người dân nộp thanh toán quá đông và dồn dập vào một số thời điểm nên dẫn đến việc cán bộ thu, thanh toán chi phí KCB quá tải, không giữ được thái độ niềm nở, thậm chí cáu gắt.

Hơn 30 bệnh viện đã triển khai

Với sự phát triển và bùng nổ công nghệ thông tin (CNTT), việc ứng dụng công nghệ trong việc triển khai TTĐT trong thanh toán chi phí KCB là hết sức cần thiết. Việc triển khai thành công sẽ giúp giảm tải xếp hàng trong các cơ sở KCB và người dân rút ngắn được thời gian khám bệnh. Các bệnh viện (BV) giảm được nguồn nhân lực, góp phần nâng cao chất lượng KCB và cải thiện tình trạng căng thẳng, mất trật tự tại các cơ sở KCB.

Theo Cục CNTT (Bộ Y tế), ngành y tế hiện có khoảng hơn 30 BV đã triển khai các giải pháp, phương thức thanh toán chi phí KCB không dùng tiền mặt và đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, BV trường ĐH Y dược Tp.HCM đã triển khai hiệu quả thanh toán chi phí KCB không dùng tiền mặt. Bệnh nhân chỉ cần quét mã QR (Quick Response) trên phiếu thanh toán bằng ứng dụng của các ngân hàng liên kết với BV và ngay lập tức có kết quả phản hồi mà không cần phải xếp hàng. Đến nay có 15 ngân hàng liên kết hỗ trợ thanh toán chi phí KCB bằng QR code tại BV và giúp người bệnh thanh toán chi phí KCB trực tiếp trên nền tảng thiết bị di động thông minh dễ dàng hơn, thậm chí có thể nhờ người thân thanh toán chi phí KCB từ xa. Số bệnh nhân thanh toán chi phí KCB không dùng tiền mặt chiếm 35% trên tổng số giao dịch thanh toán chi phí KCB của BV.

Tạo điều kiện cho người dân dùng thẻ

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong ngành y tế”, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá, việc thanh toán không dùng tiền mặt có nhiều lợi ích như an toàn, nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian.

Tuy nhiên, thanh toán không dùng tiền mặt trong KCB còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, như người dân đến KCB vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt, chưa quen sử dụng thẻ, các ứng dụng di động để thanh toán. Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện có 50% dân số Việt Nam chưa có tài khoản ngân hàng hoặc thẻ thanh toán điện tử; chưa có nhiều giải pháp thanh toán viện phí cho các cơ sở y tế tại vùng sâu, vùng xa, miền núi. Nhận thức chưa đầy đủ về lợi ích, ý nghĩa thanh toán không dùng tiền mặt của BV nên tỷ lệ TTĐT còn thấp. Kết nối giữa phần mềm ngân hàng, các trung gian thanh toán với hệ thống thông tin BV còn gặp nhiều khó khăn.

Bà Bộ trưởng chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở đào tạo y dược phải chủ động triển khai nhiều hình thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong thanh toán viện phí, học phí, như: thanh toán qua thẻ thanh toán, thẻ tín dụng, qua thiết bị di động thông minh, ví điện tử, cổng thanh toán điện tử. Đối với người dân không có thẻ, không có tài khoản ngân hàng, các cơ sở y tế phải phối hợp với ngân hàng triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt thuận tiện, dễ dàng và phù hợp với điều kiện, lối sống của người dân. Cùng với đó tăng cường truyền thông, hướng dẫn người dân về ý nghĩa và tiện ích quan trọng của thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần vào giảm thủ tục hành chính, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

TBKTVN số 278, ra ngày 20/11/2019 –  Trang 13