Rồng VàngThương Hiệu Mạnh

“Đổi mới sáng tạo, cơ hội để Việt Nam thay đổi thứ hạng vào năm 2045”

Những thách thức của đổi mới sáng tạo luôn là rất lớn nhưng cũng chính là cơ hội để Việt Nam thay đổi thứ hạng trở thành nước phát triển vào năm 2045…

DUYÊN DUYÊN – BẠCH HUỆ

“Đi sau người khác, đi cùng người khác thì sẽ không có cơ hội để thay đổi thứ hạng của Việt Nam. Khi chấp nhận cái mới có thể mất một số thứ nhưng không có quá nhiều thứ để mất và đó là cơ hội của Việt Nam…”.

Đó là những lời phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Diễn đàn CEO 2019 với chủ đề “Doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo: Bứt phá từ tư duy đến hành động”, do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức chiều ngày 5/4/2019.

Các CEO phải tìm cách tiếp cận mới trong mọi hoạt động!

Mở đầu bài phát biểu Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, đổi mới sáng tạo bao giờ cũng phải bắt đầu từ nhận thức và tư duy. Ông lấy ví dụ, người Nhật đề cập đến xã hội 5.0. xã hội 1.0 là săn bắn, du cư; xã hội 2.0 là làm nông nghiệp, định canh; xã hội 3.0 là xã hội công nghiệp; xã hội 4.0 là xã hội thông tin; còn xã hội 5.0 là xã hội thông minh.

Còn đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp có thể hiểu theo nghĩa sử dụng công nghệ mà chủ yếu là công nghệ số để tự động hóa, thông minh hóa toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp từ quản trị đến sản xuất, bán hàng.

“Với cách tiếp cận này, thì từ khóa quan trọng nhất là thông minh hơn và tiếp tục thông minh hơn trong mọi hoạt động. Và công cụ quan trọng nhất giúp cho quá trình này là công nghệ, nhất là công nghệ số, công nghệ 4.0”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cắt nghĩa.

Theo ông, một cuộc cách mạng xảy ra mà tương lai sẽ không nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Đổi mới sáng tạo xảy ra là vào đúng lúc này, cho nên hạ tầng cũ, cách làm cũ, tri thức cũ, sản phẩm cũ, mô hình kinh doanh cũ không còn phù hợp.

“Chúng ta cần hạ tầng mới, cách làm mới, tri thức mới, sáng tạo mới, mô hình kinh doanh mới. Rất nhiều thứ chỉ đơn giản là làm ngược lại. Trước đây, tìm mọi cách để tránh sai lầm thì nay là sai nhanh hơn với chi phí rẻ hơn. Trước đây học trước làm sau thì nay làm trước học sau. Vì cái mới chưa có nên không thể học mà chỉ có thể thử”, ông nói.

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho rằng, với cách tiếp cận như vậy thì quan trọng nhất đối với các CEO là tìm cách tiếp cận mới trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty mình.

Sự đổi mới sáng tạo thường tạo ra cơ hội cho các công ty mới, với công nghệ mới mang tính đột phá, công nghệ mới mang tính phá hủy.

Với góc nhìn này, các công ty lớn và thành công có những khuyết tật chết người và tạo ra cơ hội cho các công ty mới, công ty nhỏ, cơ hội vươn lên trở thành số 1 nhưng phải dựa vào công nghệ mới đột phá, đi từ các thị trường mới quay lại lật đổ các thị trường truyền thống hiện tại.

“Vậy có cách nào các công ty lớn đang thành công có thể xử lý được tình huống này hay không? Về cơ bản thì có 3 cách tiếp cận”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ.

Thứ nhất, thúc đẩy các công nghệ và thị trường mới để nó trở thành đủ lớn. Thứ hai, chờ cho thị trường mới, công nghệ mới ngày càng rõ nét, và gia nhập thị trường khi đã đủ lớn và ngày càng hấp dẫn. Thứ ba, giao trách nhiệm thương mại hóa công nghệ, đột phá cho các bộ phận mới, đủ nhỏ để hiệu suất kinh doanh chỉ phụ thuộc vào công nghệ mới. Nhưng bộ phận mới này phải hoạt động theo các quy trình mới và hệ giá trị mới.

Đổi mới sáng tạo, cơ hội để Việt Nam thay đổi thứ hạng vào năm 2045 - Ảnh 1.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng – Ảnh: Quang Phúc.

“Các nghiên cứu cho thấy cách tiếp cận thứ ba có nhiều hứa hẹn hơn. Cách thứ nhất khó thành công vì công nghệ mới, thị trường mới không tạo ra sự bùng nổ trong thời gian ngắn. Cách thứ hai thì lại quá muộn. Dưới góc nhìn này thì các công ty lớn đang thành công vẫn có cơ hội tiếp tục tồn tại và phát triển nhưng phải phân mình từ một tổ chức thành hai tổ chức độc lập, với hai cách vận hành khác nhau, hai văn khóa khác nhau. Và đây là một việc không dễ”, ông nói.

Phải dùng công nghệ số để giải quyết vấn đề của Việt Nam

Một vấn đề khác cũng được Bộ trưởng đề cập đến là đổi mới sáng tạo dưới góc nhìn của kinh tế số. Theo đó, kinh tế số là các hoạt động kinh tế có sử dụng thông tin số, tri thức số, sử dụng mạng internet, mạng thông tin, tức là viễn thông và công nghệ thông tin để tăng năng suất lao động. Nếu nói đơn giản, là nền kinh tế liên quan đến công nghệ số.

Kinh tế số là một quá trình tiến hóa lâu dài, là quá trình chuyển đổi số trên bình diện quốc gia. Mọi doanh nghiệp, mọi cá nhân và Chính phủ đều có thể sử dụng công nghệ số đột phá để thay đổi về chất công việc của mình.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, cách nhanh nhất để đẩy nhanh nền kinh tế số là sử dụng công nghệ số để thay đổi cách chúng ta đang sản xuất và làm việc. Dùng camera để giảm người bảo vệ, đó là kinh tế số. Tự động tưới cây khi đất khô, đó cũng chính là kinh tế số. Và các doanh nghiệp công nghệ số sẽ làm việc này.

“Phải khởi nghiệp công nghệ số, phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Dùng công nghệ số để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam. Và từ cái nôi Việt Nam, các doanh nghiệp này sẽ đi ra toàn cầu”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ông cho rằng, công nghệ sinh ra là để giải quyết vấn đề. Ở đâu có vấn đề thì ở đó có công nghệ, có giải pháp. Vấn đề đang có ở mọi nơi, và mỗi người có thể khởi nghiệp công nghệ để giải quyết bài toán của mình. Khởi nghiệp công nghệ số, phổ cập công nghệ số sẽ giúp Việt Nam số hóa nền kinh tế rất nhanh.

Công nghệ số sẽ sinh ra những mô hình kinh doanh mới, thách thức mới, hoặc thay thế mô hình kinh doanh cũ.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lấy ví dụ Uber đang thách thức taxi, Fintech thách thức ngân hàng truyền thống, MobiMoney thanh toán mua hàng hóa giá trị nhỏ sẽ giải quyết bài toán thanh toán không dùng tiền mặt đến 100% người dân nhưng lại thách thức ngân hàng.

“Vấn đề của Chính phủ là có dám chấp nhận các mô hình kinh doanh mới này hay không? Nếu dám chấp nhận nhưng lại là người sau cùng chấp nhận thì cũng không có nhiều giá trị. Bởi vậy, nói số hóa nền kinh tế là một cuộc cách mạng về chính sách nhiều hơn là cách mạng về công nghệ.

Đầu tiên phải là chấp nhận các mô hình kinh doanh mới, chấp nhận các công nghệ mới làm thay đổi căn bản các ngành, thường là sự sáng tạo mang tính phá hủy. Chúng ta chấp nhận cái mới thì công nghệ mới của thế giới sẽ về, người tài trên toàn cầu sẽ về và nền công nghiệp mới sẽ xuất hiện và cái nôi Việt Nam sẽ tạo ra các sản phẩm công nghệ số xuất khẩu được, nhưng phải là sự chấp nhận sớm, sớm hơn người khác”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Đi sau người khác, đi cùng người khác thì sẽ không có cơ hội để thay đổi thứ hạng của Việt Nam. Khi chấp nhận cái mới có thể mất một số thứ nhưng không có quá nhiều thứ để mất và đó là cơ hội.

“Như vậy, dưới góc nhìn của kinh tế số, thì đổi mới sáng tạo là doanh nghiệp tập trung vào chuyển đổi số để trở thành doanh nghiệp số. Chính phủ tập trung vào tạo môi trường pháp lý, cho phép các mô hình kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ mới đột phá.

Những thách thức của đổi mới sáng tạo luôn là rất lớn nhưng cơ hội của những nước đang phát triển như chúng ta lại là lớn hơn. Và đây cũng chính là cơ hội để Việt Nam thay đổi thứ hạng trở thành nước phát triển vào năm 2045. Mỗi doanh nghiệp có cách tiếp cận riêng của mình về đổi mới sáng tạo để phát triển doanh nghiệp của mình, tái tạo chính mình và đóng góp cho sự phát triển đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đúc kết.