EPF2019

Thu phí không dừng vẫn vướng mắc

Ảnh minh họa

P/v ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Đường bộ Việt Nam – Bộ GTVT

Mô hình quản lý và hoạt động của các trạm thu phí công nghệ cũ, thu phí một dừng bằng mã vạch gây ùn tắc giao thông, không bảo đảm tính minh bạch và có nguy cơ thất thoát cao. Điều này đòi hỏi công nghệ hóa hoạt động quản lý, vận hành thông qua triển khai thu phí tự động không dừng (ETC). Tuy nhiên, thời điểm bàn giao ngày 31/12 đến gần, hàng loạt tình huống phát sinh không lường trước khiến việc triển khai ETC trên toàn quốc phải xin lùi tiến độ, tiếp tục trễ hẹn.

Ánh Tuyết

Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường
Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường

Xin ông cho biết thực trạng triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực GTVT, đặc biệt là ETC?

Nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong công tác thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ, Bộ GTVT đã triển khai hệ thống ETC thông qua hai dự án. Giai đoạn 1 đã triển khai từ năm 2016 theo hình thức hợp đồng BOO (Xây dựng – Sở hữu – Kinh doanh). Đến nay, trong 44 trạm thu phí (26 trạm trên QL 1, đường HCM qua Tây Nguyên và 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác), hiện đã lắp đặt, vận hành 25/26 trạm trên QL 1 và 13 trạm trên các tuyến quốc lộ khác, chỉ có trạm thu phí Tào Xuyên – Thanh Hóa dừng thu phí nên không triển khai dự án này.

Dự án giai đoạn 2 gồm 33 trạm, Tổng cục Đường bộ VN (TCĐB) đã tổ chức đấu thầu và lựa chọn liên danh do Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đứng đầu, và ký hợp đồng từ tháng 7/2019. Liên danh đang thực hiện các thủ tục thành lập DN dự án theo quy định. Sau khi có DN dự án mới đủ điều kiện để triển khai thực hiện. Đối với thu phí một dừng hay thu phí không dừng, TCĐB VN và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đều thực hiện công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên, đảm bảo tính công khai, minh bạch. ETC có nhiều lợi thế hơn so với thu phí một dừng. Theo đó, các xe qua trạm không phải dừng lại, không phải giảm tốc rồi tăng tốc, không ảnh hưởng đến kết cấu mặt đường, giảm tiêu hao nhiên liệu, giảm thời gian lưu thông qua trạm. Theo đề án của Bộ GTVT, mỗi năm tiết kiệm đến 3.000 tỷ đồng từ việc triển khai hệ thống ETC trên toàn quốc.

ETC thể hiện những ưu điểm vượt trội so với hình thức cũ, nhưng thời điểm bàn giao toàn bộ công tác thu phí sang ETC gần kề, tại sao dự án còn nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ?

Triển khai ETC còn tồn tại nhiều vướng mắc. Hiện chưa có chế tài bắt buộc người dân dán thẻ E-tag, vì vậy, số lượng người dân dán thẻ sử dụng dịch vụ chưa cao. Hiện nay, chỉ có 25% phương tiện cơ giới đường bộ dán thẻ E-tag. Trong đó, chỉ khoảng 30% chủ phương tiện nạp tiền vào tài khoản để sử dụng. Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, thứ nhất, việc nạp tiền vào tài khoản vẫn mất một phí giao dịch ngân hàng, phí chuyển khoản. Thứ hai, đây là tài khoản theo hình thức ví điện tử, không phát sinh lãi, vì vậy, người dân chưa mặn mà nạp tiền vào tài khoản. Thứ ba, các hình thức kết nối giữa tài khoản ngân hàng với tài khoản giao thông chưa thực sự thuận tiện. Triển khai ETC có một số đặc thù. Theo đó, nhà đầu tư BOT sẽ phải trích doanh thu để trả phí dịch vụ ETC cho nhà cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, trong năm 2019, do biến động kinh tế, thực hiện Nghị quyết 35 của Thủ tướng Chính phủ, về miễn giảm phí sử dụng đường bộ, doanh thu các trạm BOT bị sụt giảm so với phương án tài chính. Vì vậy, khi phải trích phí dịch vụ để trả cho các cung cấp dịch vụ ETC, nhà đầu tư BOT không có phương án để trả nợ cho ngân hàng vay vốn.

Mặt khác, hợp đồng BOO có nhiều bên tham gia, ảnh hưởng đến lợi ích cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà cung cấp dịch vụ BOO, nhà đầu tư BOT, ngân hàng tài trợ vốn cho BOT, BOO. Do cần thời gian đàm phán giữa các bên, nên việc triển khai ETC tương đối chậm. Đây cũng là dự án BOO đầu tiên ở Việt Nam được đấu thầu, các bên chưa có kinh nghiệm trong xử lý những tình huống phát sinh không lường trước.

Để đẩy mạnh kết nối liên thông hệ thống thanh toán và dịch vụ vận tải công, thúc đẩy thanh toán điện tử trong lĩnh vực GTVT, ông đưa ra những đề xuất gì?

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai ETC, thu hút người dân dán thẻ E-tag và nạp tiền sử dụng dịch vụ, TCĐB VN phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) triển khai các dịch vụ kết nối liên thông giữa các tài khoản ngân hàng với tài khoản thẻ E-tag và tổ chức tuyên truyền, phân làn giao thông. Tức là, chỉ có các xe đủ điều kiện sử dụng dịch vụ ETC mới được đi vào làn ETC, nếu không, phải chuyển qua làn hỗn hợp. Hiện nay, TCĐB VN cũng đang đề xuất với Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ sửa Nghị định 46/CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB. Như vậy, những xe nào không đủ điều kiện sử dụng dịch vụ ETC, đi vào làn ETC sẽ bị xử phạt và chấp nhận tình trạng ùn tắc tại các làn thu phí thủ công. Trước đây, theo Nghị định 46, nếu gây ùn tắc, bắt buộc phải xả trạm. Thì nay, Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng, chấp nhận ùn bên làn thủ công. Nếu người dân không muốn đi nhanh, phải chấp nhận ùn tắc.

Thời Báo Kinh tế Việt Nam số 295 trang 22