EPF2019

Xây dựng bệnh viện không sử dụng thanh toán tiền mặt

Ảnh minh họa

P/v ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT – Bộ Y tế…

Đào Hải thực hiện

Theo xu thế phát triển của công nghệ thông tin (CNTT), ngành y tế đang tập trung vào đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh (KCB), hướng tới xây dựng bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy và không sử dụng thanh toán tiền mặt.

Xin ông chia sẻ về việc ngành y tế hướng tới xây dựng bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy và không sử dụng thanh toán tiền mặt?

ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT – Bộ Y tế

Thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 54/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 về Bộ tiêu chí ứng dụng CNTT tại các cơ sở KCB và Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 về Quy định hồ sơ bệnh án điện tử.

Ngày 23/7/2019, Bộ Y tế tổ chức hội nghị đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử hướng tới bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy và không sử dụng tiền mặt thanh toán viện phí tại Đà Nẵng để tìm ra giải pháp tối ưu và hiệu quả cao nhằm thúc đẩy triển khai hồ sơ bệnh án điện tử theo đúng lộ trình của Thông tư số 46.

Các giải pháp chính để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Đó là: tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách và các quy định về bệnh án điện tử, trong đó đặc biệt phải khẩn trương xác lập, sử dụng và quản lý mã định danh y tế (ID); xây dựng chuẩn kết nối liên thông giữa các hệ thống thông tin tại bệnh viện; triển khai các giải pháp thanh toán viện phí không dùng tiền mặt; xây dựng cơ chế tài chính cho ứng dụng CNTT y tế, trong đó tập trung xây dựng kết cấu chi phí CNTT trong chi phí dịch vụ y tế.

Hiện nay có hai điểm nghẽn chính trong thanh toán điện tử ở các bệnh viện cần khắc phục trong thời gian tới là: Phí dịch vụ thanh toán điện tử còn cao, Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước xem xét nội dung này; người dân chưa có thói quen thanh toán điện tử, do đó cần đẩy mạnh truyền thông về tiện lợi của thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt đến nhân dân.

Bộ Y tế đã có chỉ đạo toàn ngành, yêu cầu các bệnh viện phải thanh toán viện phí không dùng tiền mặt như thế nào thưa ông?

Nghị quyết 02 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, trong đó có yêu cầu các bệnh viện phải thanh toán viện phí không dùng tiền mặt bắt đầu chậm nhất là từ ngày 31/12/2019. Thực hiện chủ trương này, Bộ Y tế chỉ đạo quyết liệt toàn ngành thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ.

  • Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-BYT ngày 2/10/2019 về việc đẩy mạnh triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt. Tại Chỉ thị này, Bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các cơ sở KCB trước hết phải quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 02 của Chính phủ về triển khai thanh toán các dịch vụ y tế không dùng tiền mặt để người dân, toàn bộ công chức, viên chức cơ quan hiểu rõ được mục đích, ý nghĩa và những lợi ích to lớn của việc thanh toán điện tử mang lại.
  • Bộ Y tế phối hợp Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để quán triệt và triển khai các giải pháp thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt.
  • Nghiên cứu, xem xét ban hành quy định chuẩn thông tin thanh toán điện tử trong y tế; xây dựng chuẩn kết nối giữa ngân hàng và hệ thống thông tin bệnh viện (HIS); xây dựng chuẩn kết nối thanh toán giữa thẻ Napas với HIS; xây dựng và ban hành chuẩn thanh toán QR y tế.
  • Đưa tiêu chí triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt vào tiêu chí bình xét thi đua cuối năm đối với các cơ sở KCB.
  • Thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các cơ sở KCB khẩn trưởng triển khai các giải pháp thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt.

Theo ông, các cơ sở KCB cần phải làm những gì để đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử?

Các cơ sở KCB phải xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực chủ động triển khai các giải pháp thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt, trước hết phải chủ động phối hợp với các ngân hàng, các đơn vị trung gian thanh toán để triển khai thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều hình thức. Thứ nhất là chuyển khoản qua tài khoản. Các cơ sở KCB phải công khai số tài khoản cho người dân, người bệnh, đơn vị cá nhân chuyển tiền; thứ hai, triển khai bằng hình thức thanh toán điện tử; thứ ba, triển khai bằng hình thức thanh toán ưu tiên (thanh toán qua điện thoại thông minh, QR code…).

Đặc biệt chú ý là khi sử dụng các phương pháp thanh toán này phải tránh độc quyền. Để làm được điều đó, phải sử dụng nhiều đơn vị, nhiều công ty tham gia vào việc cung cấp các dịch vụ. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các cơ sở KCB khẩn trương thực hiện. Đồng thời, cũng đưa ra chế tài những đơn vị nào đến hết ngày 31/12/2019 mà chưa triển khai bất kỳ phương án thanh toán điện tử nào thì việc bình xét thi đua của tập thể đó, năm đó, phải xem xét kỹ hơn, thậm chí không bình xét những danh hiệu thi đua cao để khen thưởng…

Thời báo Kinh tế Việt Nam số 295