Đến ngày 31/12, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, toàn bộ trạm thu phí trên toàn quốc phải thu phí tự động không dừng (ETC). Tuy nhiên, dự án đang đứng trước nguy cơ vỡ tiến độ, khi Công ty TNHH Thu phí tự động VETC thực hiện dự án giai đoạn I vừa đề nghị dừng hoặc trả lại dự án cho Nhà nước do dự án chậm triển khai, lo ngại nguy cơ phá sản.
TUYẾT NHI
Sau khi xem xét đề xuất của VETC, Bộ GTVT vừa phát đi thông cáo báo chí về tình hình thực hiện hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí do Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong đó nhấn mạnh Bộ GTVT yêu cầu nhà đầu tư tiếp tục thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết, Nhà nước không đồng ý tiếp nhận dự án.
Bộ GTVT cho biết, hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí BOT được chia làm 2 giai đoạn, bao gồm dự án giai đoạn 1 áp dụng cho QL. 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Dự án giai đoạn 2 áp dụng cho các trạm còn lại trên toàn quốc. Để đủ điều kiện triển khai thực hiện dự án, các bên cần đàm phán ký kết 2 loại hợp đồng, gồm phụ lục hợp đồng BOT về việc thu phí tự động không dừng giữa Bộ GTVT với các nhà đầu tư BOT và hợp đồng dịch vụ giữa các nhà đầu tư BOT với nhà cung cấp dịch vụ. Trước mắt, trong thời gian đầu khi dự án đưa vào khai thác, để hình thành thói quen cho người dân sử dụng dịch vụ, tại mỗi trạm thu phí sẽ vận hành 1 làn thu phí hỗn hợp mỗi hướng để cho các phương tiện chưa dán thẻ có thể lưu thông.
Theo đó, dự án giai đoạn 1 có tổng số 44 trạm, bao gồm 26 trạm trên QL. 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác. Dự án này do VETC, liên danh giữa Công ty CP Tasco và Công ty Thu phí tự động VETC triển khai thực hiện. Đến thời điểm này, Bộ GTVT đã tiến hành đàm phán, ký kết phụ lục hợp đồng BOT với 35/39 trạm, 4 trạm đang tiếp tục đàm phán. Trong 44 trạm có 5 trạm do Công ty CP Tư vấn Đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý không phải ký phụ lục hợp đồng. Các trạm thu phí thuộc dự án giai đoạn 1 đã cơ bản lắp đặt và vận hành hệ thống ETC.
Dự án giai đoạn 2 gồm 33 trạm, Bộ GTVT đã tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế và đã lựa chọn liên danh Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) và một số DN về công nghệ là nhà đầu tư thực hiện dự án.
Trước đó, ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng giám đốc VETC cho biết, ngày 23/10 vừa qua, Công ty TNHH Thu phí tự động VETC vừa có Văn bản số 530 gửi lãnh đạo Bộ GTVT, đề xuất dừng thực hiện hợp đồng ETC giai đoạn 1. Theo đó, VETC kiến nghị Bộ GTVT lựa chọn nhà đầu tư khác nhận chuyển giao dự án hoặc nhà nước nhận lại dự án để tiếp tục triển khai thực hiện.
Theo thông cáo báo chí của Bộ GTVT, dự án còn nhiều khó khăn, vướng mắc có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ dự án như việc triển khai các dự án do VEC quản lý có nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện, dẫn đến 4/5 tuyến cao tốc thực hiện rất chậm, khó có thể hoàn thành tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. “Cơ bản các trạm thu phí thuộc dự án giai đoạn 1 đã được lắp đặt, vận hành công nghệ thu phí tự động, bước đầu tạo sự thuận lợi cho người sử dụng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan nên việc triển khai dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó vướng mắc lớn nhất hiện nay của dự án là doanh thu hoàn vốn cho dự án ETC không như dự kiến ban đầu do tiến độ ký hợp đồng dịch vụ, trích doanh thu còn chậm”, Bộ GTVT cho biết.
Sau khi xem xét đề xuất của Công ty VETC, Bộ GTVT không đồng thuận giải pháp dừng triển khai dự án hoặc Nhà nước tiếp nhận lại dự án. Đồng thời, cũng yêu cầu Công ty VETC phải có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký kết với Bộ. Bên cạnh đó Bộ GTVT sẽ phối hợp với VETC và các cơ quan đơn vị có liên quan từng bước tháo gỡ các khó khăn vướng mắc với quyết tâm cao để hoàn thành dự án”.
TBKTVN số 276, ra ngày 18/11/2019 – Trang 12