Khi uống cốc trà đá, cái vé gửi xe, mua cốc cafe mà người dùng chỉ cần vuốt màn hình điện thoại để thanh toán đó là lúc bức tường thành “tiền mặt là vua” sụp đổ…
BẠCH HUỆ
Việc thúc đẩy phát triển thương mại điện tử là đề án được ưu tiên nhưng đến nay “tiền mặt vẫn là vua” với 90% giao dịch. Tại đoạ đàm: “Thúc đẩy thanh toán điện tử trên toàn quốc”diễn ra chiều 16/10, các lãnh đạo, chuyên gia đều cho rằng cần một giải pháp bứt phá hơn nữa.
Tiền mặt vẫn là vua
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương.cho biết, không dùng tiền mặt đang là xu hướng không thể khác. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước 6 tháng đầu năm 2019, số lượng giao dịch không dùng tiền mặt tăng lên 30%, giá trị giao dịch không dùng tiền mặt tăng 18%. Tuy vậy, việc không dùng tiền mặt vẫn chưa đồng đều trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn trong thương mại điện tử hiện nay vẫn chủ yếu dùng tiền mặt để giao dịch.
“Giao dịch tiền mặt không có gì là xấu song sẽ làm xói mòn niềm tin giữa người tiêu dùng và các nhà kinh doanh, nó là rào cản đối với thương mại điện tử”, ông Hải nói.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Phạm Trung Kiên, Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel cho rằng, Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng thanh toán điện tử số 1 thế giới. Dù tăng nhanh nhưng do xuất phát thấp, do đó ở Việt Nam “tiền mặt vẫn là vua” chiếm 90% giao dịch.
“Hàng trăm công ty fintech, hàng chục công ty thanh toán gia nhập thị trường tiềm năng này nhưng quan trọng nhất là phải phát triển tính năng, ứng dụng cho người dùng. Hiện nay hầu hết các giao dịch không tiền mặt mới tập trung vào các loại hình như chuyển tiền, thanh toán tiền điện thoại, điện, nước, truyền hình…”, ông Kiên cho hay.
Theo một báo cáo gần đây thì hiện tại có 154 công ty hoạt động về fintech ở Việt Nam, chủ yếu là mảng thanh toán điện tử, sau đó là lĩnh vực cho vay và có 22 công ty trong lĩnh vực tiền mã hóa và các khoản nợ thanh toán.
Mua bánh mì, trà đá…không cần tiền mặt
Nói về thanh toán điện tử trong ngành viễn thông, ông Kiên cho rằng việc triển khai sử dụng viễn thông để thanh toán và mua bán hàng hóa dịch vụ giá trị nhỏ là cơ hội rất lớn cho ngành ngân hàng, bản chất cái tên của Đề án có một chữ là giá trị nhỏ.
“Hiện nay không có một ngân hàng nào ở Việt Nam phục vụ những thanh toán nhỏ lẻ. Nhỏ ở đây chúng tôi hiểu là uống cốc trà đá, cái vé gửi xe, mua bánh xà phòng, mua cái bánh mỳ hay cốc café… Người dân cũng không có thói quen dùng thẻ ngân hàng để chi trả cho những thanh toán lặt vặt này, song với thế mạnh về công nghệ, các nhà mạng có thể giúp người dân quen dần với những món chi tiêu vài chục nghìn, vài trăm nghìn. Còn những món chi tiếu lớn hơn như mua điện thoại, TV, mua nhà mua xe, họ sẽ nghĩ đến ngân hàng, vì không ai sử dụng điện thoại để mua nhà, ô tô hay xe máy cả”.
“Hiện nay, ngân hàng mới phục vụ được 30% dân số, nhưng nhờ Mobile Money sẽ có thể tiếp cận đến 70% dân số. Ví dụ một người dân Nhật có 7,5 cái thẻ ngân hàng bình quân, nhưng 40% thuê bao di động của Nhật hàng tháng vẫn sử dụng Mobile Money để chi tiêu cho các món siêu nhỏ”, ông Kiên phân tích.
Vị doanh nhân khẳng định, hiện Thủ tướng đã đồng ý về chủ trương cho thanh toán hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ bằng tài khoản viễn thông. Nếu được cấp phép dịch vụ Mobile Money thì chỉ “qua 1 đêm” tất cả người dân sử dụng dịch vụ di động đều có thể tham gia thanh toán không dùng tiền mặt. Ở đâu có sóng thì người dân có thể sử dụng được dịch vụ Mobile Monney.
Ông Phùng Anh Tuấn, Phó chủ tịch, Tổng thư kí Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) nói rằng nếu muốn theo cuộc chơi trên thế giới thì chúng ta không thể nằm ngoài xu hướng toàn cầu, phải bỏ chính sách “quản đến đâu thì mở đến đó” mới có thể phát triển được. Bài học từ Trung Quốc về vấn đề thanh toán điện tử vượt qua cả châu Âu và Mỹ là minh chứng tốt cho việc triển khai thanh toán điện tử ở Việt Nam.
Theo ông Tuấn, nhà chức trách cần phải đưa ra giải pháp tối ưu hóa những kênh, phương tiện cho thanh toán điện tử để người dùng có thể sử dụng, có những phương tiện thay thế cho tiền mặt và sử dụng một cách rất dễ dàng, không cần phải giấy tờ, không cần phải xếp hàng, dễ sử dụng.
“Hãy để doanh nghiệp được làm những gì mà pháp luật không cấm. Điều nhà nước cần làm là đổi mới thể chế, có chính sách pháp luật giúp các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, tạo cơ chế cấp phép thử cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực thanh toán điện tử”, ông Tuấn nói.
Trong khi đó, ông Hải thì nhấn mạnh vào sự trải nghiệm, nếu người tiêu dùng trải nghiệm với những phương pháp dễ dàng, đem lại lợi ích thì sự bùng nổ là chắc chắn.
“Mọi chính sách đều bắt đầu tư cuộc sống. Với việc thanh toán bằng Mobile money chúng tôi nghĩ rằng thanh toán không dùng tiền mặt sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, những tranh chấp trong thương mại điện tử sẽ được giải quyết rất dễ dàng, độ tin cậy rất cao và các trải nghiệm của người tiêu dùng sẽ nói lên lợi ích khi người dân tham gia không dùng tiền mặt”, ông Hải cho biết.
Theo chỉ đạo của Chính phủ thì hiện nay đã có rất nhiều những báo cáo đánh giá, đặc biệt là báo cáo đánh giá gần đây của Ngân hàng Nhà nước phân tích về tất cả rủi ro cũng như hiện thực hóa việc thanh toán qua tài khoản viễn thông và gần đây nhất thì Bộ Công Thương đã nhận được góp ý cho Nghị định 101, trong đó cũng có những điều khoản là tiền đề cho việc thanh toán qua tài khoản viễn thông. Do đó, Việt Nam sẽ sớm có một hành lang pháp lý tốt để có thể thực hiện đến việc thanh toán qua tài khoản viễn thông.