Ông Cấn Văn Lực cho rằng 60% vốn vào bất động sản vẫn sẽ tiếp tục đến từ ngân hàng, 40% đến từ các dòng vốn khác…
NGUYÊN MINH
Trong các dòng vốn đổ vào thị trường bất động sản, tín dụng từ phía các nhà băng luôn là một nguồn vốn quan trọng. Mới đây, thông tư 22 được Ngân hàng Nhà nước ban hành làm dấy lên nỗi lo về việc tín dụng vào bất động sản ngày càng thận trọng có khả năng tác động tiêu cực đến thị trường.
Mới đây, tại Diễn đàn Bất động sản Việt Nam chủ đề “Xu thế dòng tiền vào bất động sản 2020” do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức, các chuyên gia đầu ngành đã dành thời gian để lý giải chi tiết vấn đề này.
Tại sự kiện, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa đánh giá chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đúng là đã có sự thắt chặt, nhưng mức độ thắt chặt vẫn còn khá lỏng. “Chúng tôi đã khuyến cáo về việc kiểm soát thị trường tài chính với thị trường bất động sản phải thận trọng, không được làm đóng băng, phải phát triển ổn định, dài hạn”, ông Nghĩa cho biết.
Thậm chí vị chuyên gia này còn cho rằng dòng vốn của ngân hàng vào bất động sản vẫn hơi thấp. Chúng ta cần phải coi trọng dòng vốn ngân hàng vào bất động sản, vì đây là dòng vốn dài hạn, đảm bảo cho cả ngân hàng và bất động sản phát triển một cách vững chắc.
“Bên cạnh đó, nhiều nhà quản trị ngân hàng lừng danh nói với tôi rằng, nếu không cho vay bất động sản thì cho vay gì? Vì các thị trường khác quá rủi ro, chỉ có bất động sản, hàng không và viễn thông là ổn định, rủi ro khá thấp, nên ngân hàng không cho 3 lĩnh vực này vay thì cho ai vay?”, ông Nghĩa thẳng thắn.
Cùng quan điểm với ông Nghĩa, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV – ông Cấn Văn Lực cũng bày tỏ ý kiến khi nhiều người đang nhìn nhận hơi thận trọng về dòng tín dụng ngân hàng vào bất động sản.
“Tôi nhìn nhận dòng vốn này rất tích cực. Về tín dụng, không phải tín dụng ngân hàng giảm đối với bất động sản mà thực tế mà theo số liệu 10 tháng 2019 cho vay xây lắp tổng dư nợ 800.000 tỷ đồng, tăng 8,5%; cho vay kinh doanh bất động sản vẫn tăng 5,5%, cho vay mua nhà, sửa nhà tăng 19,6%.
Năm nay, Chính phủ chỉ đạo gộp cho vay bất động sản và vay mua nhà, sửa nhà vào thành cho vay bất động sản như vậy thực tế là tăng 14,5%, cao hơn bình quân cho vay của hệ thống ngân hàng hết 10 tháng 2019 là khoảng 10%. So sánh với khu vực, đây là tỷ lệ chấp nhận được.”
Với dòng vốn vào bất động sản trong 2019 vừa qua từ tín dụng bổ sung thêm cho bất động sản dự tính tăng thêm khoảng 300 nghìn tỷ trong khi đó 4 dòng vốn còn lại gồm tư nhân, FDI, trái phiếu doanh nghiệp, phát hành cổ phiếu tương đương 240.000 tỷ. Do đó ông Lực cho rằng 60% vốn vào bất động sản vẫn sẽ tiếp tục đến từ ngân hàng, 40% đến từ các dòng vốn khác.
Nhiều người băn khoăn về Thông tư 22 vừa qua của Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên vị chuyên gia này cho biết chính ông là người đề xuất phải có một thông tư như thế này. Thứ nhất, để định hướng tín dụng vào những chỗ bất động sản gắn với thực tiễn, bớt đầu cơ.
Thứ hai, theo đó giúp thị trường lành mạnh về lâu dài, vì thông tư này sẽ cực kỳ khuyến khích cho vay xây nhà, mua nhà, sửa nhà vì vì sắp tới cho vay phân khúc này thì trọng số rủi ro là 50%, bằng một nửa so với cho vay thương mại thông thường – phân khúc này chiếm tới 67% tổng lượng vốn đổ vào bất động sản. Hoàn toàn phù hợp với quy luật 80/20.
Tuy vậy, các vị chuyên gia cũng khẳng định, dù vốn ngân hàng là chủ đạo nhưng với triển vọng thị trường vẫn lạc quan, bất động sản vẫn có rất nhiều cơ hội để tiếp cận các dòng vốn khác nhau không chỉ riêng vốn ngân hàng.