EPF2019

Rất khó xóa nền kinh tế tiền mặt nếu thanh toán trực tuyến còn nhiều rủi ro

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với các đại biểu tại diễn đàn. Ảnh: VIẾT CHUNG

Nếu người dân không thấy được lợi ích, việc thanh toán trực tuyến, điện tử còn rủi ro, chưa đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, sẽ rất khó để xoá bỏ nền kinh tế tiền mặt.

ANH VŨ

Đó là những chia sẻ của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại Diễn đàn Phát triển hệ sinh thái thanh toán điện tử 2019, với chủ đề “Chuyển động cùng công nghệ chip” (EPF 2019), do Thời báo Kinh tế Việt Nam và Công ty Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) chủ trì tổ chức, dưới sự bảo trợ của Ngân hàng nhà nước.

Ông Đam cho biết, thời gian qua, Bộ Chính trị và Chính phủ có nhiều chủ trương, quyết định để tận dụng thời cơ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. “Việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) không chỉ làm tăng sự luân chuyển đồng bộ trong toàn xã hội, huy động vốn của dân, không để tiền chết; không chỉ minh bạch chống rửa tiền, chống tham nhũng, mà nếu làm tốt, sẽ còn thúc đẩy kinh tế tri thức, công nghệ”, Phó thủ tướng nhận định, đồng thời lưu ý Đông Nam Á là khu vực năng động, nền kinh tế internet quy mô 100 tỉ USD, 5 năm tới tăng gấp 3 lần.

Phó thủ tướng kể lại câu chuyện ông đi phỏng vấn 100 người về khái niệm Chính phủ điện tử, đa phần đều nói đó là việc ứng dụng công nghệ thông tin để hoạt động quản lý nhà nước minh bạch, hiệu quả hơn. Chỉ ít người nói vế thứ 2 là để huy động người dân tham gia vào việc quản lý xã hội nhiều hơn.

Rất khó xóa nền kinh tế tiền mặt nếu thanh toán trực tuyến còn nhiều rủi ro - ảnh 1
Phát biểu tại Diễn đàn, giáo sư Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, đánh giá Diễn đàn EPF 2019 thực sự đã trở thành không gian để các bên tham gia có thể cùng nhau thảo luận, thống nhất các giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử/thanh toán không dùng tiền mặt cho toàn thị trường. Ảnh Quang Phúc

“Người Việt Nam có câu đồng tiền đi liền khúc ruột. Khi triển khai TTKDTM thì phải thúc đẩy nó gắn an toàn, an ninh và phải để người dân thấy lợi ích tham gia vào”, Phó thủ tướng nhấn mạnh, và cho rằng các bộ, ngành phải làm sao để những thông tin y tế, giáo dục, công an phải tích hợp và liên thông với nhau, tạo thuận lợi cho người dân. Phải triển khai chương trình, một người dân dù nghèo cũng có 1 chiếc điện thoại thông minh (smartphone).

Để làm được như vậy, theo ông Đam, phải có sự nỗ lực các bộ, ngành và hành động quyết liệt. “Chính phủ đã có chỉ đạo thuế, bảo hiểm, viễn thông, điện phải thanh toán không dùng tiền mặt… đầu năm nay; bắt buộc giáo dục, y tế phải triển khai trước năm 2020. Hai bộ này đã có văn bản tham gia, hôm nay ký cam kết hành động cụ thể như vậy rất nên khuyến khích”, ông Đam cho biết thêm.

Tại diễn đàn, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết thêm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đang định hướng xây dựng, sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động thanh toán nói riêng, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào ngân hàng số, thanh toán số….

Với vai trò là cơ quan báo chí, truyền thông, giáo sư Đào Nguyên Cát, Phó chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, đánh giá Diễn đàn EPF 2019 thực sự đã trở thành không gian để các bên tham gia có thể cùng nhau thảo luận, thống nhất các giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử/thanh toán không dùng tiền mặt cho toàn thị trường; cập nhật xu hướng mới về thanh toán điện tử trên thế giới và gợi ý cho thị trường Việt Nam.

thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/rat-kho-xoa-nen-kinh-te-tien-mat-neu-thanh-toan-truc-tuyen-con-nhieu-rui-ro-1157745.html