EPF2019

Diễn đàn Phát triển hệ sinh thái thanh toán điện tử 2019

Việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế Internet.

VĂN GIÁP

Nền kinh tế khu vực Đông Nam Á rất năng động, kinh tế Internet quy mô 100 tỷ USD, dự kiến 5 năm tới tăng gấp 3 lần, vậy Việt Nam đang ở đâu? Đây là vấn đề mà Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu ra tại Diễn đàn Phát triển hệ sinh thái thanh toán điện tử 2019 với chủ đề “Chuyển động cùng công nghệ chip” (EPF 2019) do Thời báo Kinh tế Việt Nam và Công ty Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức sáng 10/12.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chính phủ cũng có nhiều Nghị quyết, Chiến lược, Chỉ thị, Quyết định của Thủ tướng để làm sao tận dụng tốt thời cơ của cuộc cách mạng này bằng những hành động cụ thể.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt không còn đơn thuần nhằm tăng sự luân chuyển đồng vốn trong toàn xã hội, không chỉ là vấn đề minh bạch chống rửa tiền tham nhũng mà nếu làm tích cực sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế Internet.

Do đó, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cần phải đẩy mạnh công nghệ, tiến tới tất cả các thông tin được tích hợp, từ nhân thân, bảo hiểm, y tế, ngân hàng phải được liên thông và kết nối.

Những năm trước, Chính phủ đã có chỉ đạo rõ tiền thuế, bảo hiểm, điện lực viễn thông phải thanh toán không dùng tiền mặt. Chính phủ đầu năm nay cũng quyết định bắt buộc 2 ngành liên quan đến người dân nhiều nhất là giáo dục và y tế phải triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Tại diễn đàn, Giáo sư Đào Nguyên Cát, Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam nhận định, Chính phủ đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam phải không ngừng nỗ lực để bắt kịp và đi trên hành trình của chuyến tàu 4.0. Khoa học công nghệ, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn… sẽ là cơ hội để các nước nghèo, các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam nắm lấy và thay đổi vận mệnh của mình.

Kinh tế số, thương mại điện tử là xu hướng tất yếu của thời đại. Do đó, áp lực đổi mới để cập nhật công nghệ mới trong các dịch vụ tài chính ngân hàng đã và đang thể hiện sự chủ động và tích cực của hệ thống các ngân hàng cũng như các tổ chức tài chính, phi tài chính tại Việt Nam hiện nay.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh thông tin, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam định hướng xây dựng, sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động thanh toán nói riêng, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào ngân hàng số, thanh toán số…

Diễn đàn Phát triển hệ sinh thái thanh toán điện tử 2019 với chủ đề "Chuyển động cùng công nghệ chip". Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN
Diễn đàn Phát triển hệ sinh thái thanh toán điện tử 2019 với chủ đề “Chuyển động cùng công nghệ chip”. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Chia sẻ về những thành tựu triển khai việc thanh toán không dùng tiền mặt tại Bộ Y tế, ông Trần Quý Tường, Cục trưởng cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết, đến nay có 15 ngân hàng liên kết hỗ trợ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bằng QR code tại bệnh viện và giúp người bệnh thanh toán chi phí khám chữa bệnh trực tiếp trên nền tảng thiết bị di động thông minh dễ dàng hơn, thậm chí có thể nhờ người thân thanh toán chi phí khám chữa bệnh từ xa. Đến nay số bệnh nhân thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt chiếm 35% trên tổng số giao dịch thanh toán của bệnh viện.

Theo ông Peter Chisnall, Phó Chủ tịch MasterCard International, Việt Nam đã có những tiến bộ ấn tượng liên quan đến thanh toán điện tử trong vài năm gần đây.

Chẳng hạn như dưới góc độ pháp lý, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để xây dựng nên một hệ sinh thái không tiền mặt, nhưng rõ ràng là tiến độ đó vẫn cần có thêm sự cải thiện, có thêm những động lực, yếu tố thúc đẩy để đầu tư thêm vào số hóa nhằm nâng cao năng lực thanh toán, năng lực quản trị cho các chủ thể tham gia.

Theo một nghiên cứu của hãng Moody, chỉ cần tăng 1% tăng thêm số lượng người sử dụng thanh toán phi tiền mặt có thể giúp tăng tới 4% GDP.

Việc sử dụng thẻ chíp, sử dụng công nghệ mới nhất không chỉ là làm cho tốc độ thanh toán nhanh mà nó còn giúp an ninh, an toàn trong thanh toán được nâng lên, thậm chí nó còn giúp cải thiện tính minh bạch, không bỏ sót thông tin từ đó làm tăng ngân sách của Chính phủ, ông Peter Chisnall nhận định./.

bnews.vn/dien-dan-phat-trien-he-sinh-thai-thanh-toan-dien-tu-2019/142176.html