EPF2019

Chi trả dịch vụ an sinh xã hội không dùng tiền mặt: Vẫn còn khó trăm bề

Tỷ lệ thanh toán dịch vụ an sinh xã hội qua tài khoản vẫn còn ở mức thấp…

NHẬT DƯƠNG

Đối tượng nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng đa phần là người lớn tuổi, hạ tầng của các ngân hàng thương mại chưa đáp ứng được ở vùng nông thôn… là những khó khăn khiến tỷ lệ thanh toán dịch vụ an sinh xã hội qua tài khoản vẫn còn ở mức thấp.

Sử dụng các hình thức thanh toán điện tử trong hoạt động thương mại và một số dịch vụ đã cho thấy những lợi ích to lớn. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực chi trả an sinh xã hội lại khó triển khai do đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng đa phần là người lớn tuổi.

Việc đẩy mạnh chi trả qua ATM mới chỉ tập trung ở khu vực đô thị, còn khu vực thuộc nông thôn vẫn tồn tại nhiều khó khăn do hạ tầng cơ sở dịch vụ của các ngân hàng thương mại chưa đáp ứng được.

Người nhận không vội, nhân viên áp lực

Chi trả các dịch vụ an sinh xã hội bằng thanh toán điện tử được đánh giá là giúp người hưởng không phải tập trung nhận tiền và ký danh sách tại các điểm chi trả. Điều này đã làm giảm áp lực cho cơ quan bảo hiểm xã hội cũng như tổ chức dịch vụ công.

Về hưu đã 6 năm nay, bà Trương Thị Thông (Ba Đình, Hà Nội) thay vì ra phường xếp hàng nhận lương hưu hàng tháng, nay được Bảo hiểm xã hội Tp. Hà Nội chi trả qua thẻ ATM.

“Những ngày đầu tiên đến lĩnh tiền lương hưu phải đợi rất lâu, tôi phải chờ đến số rồi ký tên, đếm lại tiền vì nhiều khi sơ suất lại bị thừa thiếu. Nhưng bây giờ tôi không cần phải đi lại nữa, chỉ ngồi một chỗ, đến tháng tiền tự chuyển vào tài khoản, rất tiện lợi”, bà Thông phấn khởi.

Nghỉ hưu được 3 năm, vài tháng đầu, ông Nguyễn Đình Kiên (Đội Cấn, Hà Nội) cũng thường ra trụ sở phường lĩnh lương hưu như những người khác. Nhưng nhiều khi gia đình có việc bận đột xuất vào đúng ngày nhận lương hưu, ông không tự ra lấy được mà lại phải nhờ người thân nhận hộ nên nhiều khi cũng thấy phiền hà.

Kể từ khi biết bảo hiểm xã hội có chủ trương chi trả lương hưu qua thẻ, ông là một trong những người đăng ký sớm nhất. “Trước đây, tôi lĩnh lương hưu theo lịch báo của ủy ban nhân dân phường, ra đấy thì rất đông và phải xếp hàng mất cả buổi thì mới lĩnh được tiền.

Hiện nay, Bảo hiểm xã hội Tp. Hà Nội trả thẳng qua thẻ ATM cho tôi, rất tiện lợi trong việc lĩnh lương và không mất nhiều thời gian, mình cần tiêu bao nhiêu thì ra cây ATM rút bấy nhiêu, còn lại để trong thẻ coi như một phần tích lũy”, ông Kiên chia sẻ.

Dù thuận lợi cho người nhận lương hưu cũng như cả người chi trả, song không phải đối tượng thụ hưởng dịch vụ an sinh xã hội nào cũng đồng ý chuyển sang thanh toán qua thẻ ATM, điều này cũng gây áp lực cho nhân viên làm công tác chi trả dịch vụ.

Anh Hoàng Nam, nhân viên bưu điện tại điểm chi trả lương hưu một phường trên địa bàn Tp. Hà Nội cho biết, để chi trả cho các đối tượng hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng, các nhân viên phải làm việc với sự tập trung cao độ. Áp lực công việc là rất lớn, bởi đối tượng nhận lương hưu và trợ cấp hầu hết là những người lớn tuổi, sức khỏe yếu hay người tàn tật, trẻ em mồ côi…

“Công việc phát lương hưu rất vất vả, chỉ cần sơ sẩy là bị nhầm lẫn ngay, thậm chí còn phải đền tiền, nhiều khi phải kiểm đếm lại tiền thừa, thiếu rất mất thời gian”, anh Hoàng Nam giãi bày.

Cũng theo anh Nam, thực tế để nhận lương hưu, người dân phải chờ đến đúng ngày phát, phải xếp hàng khá lâu mới đến lượt, thậm chí nhiều khi có việc đột xuất nhân viên phát lương phải thay đổi ngày, nhưng chỉ dán ở trụ sở phường mà không kịp thông báo về từng cụm dân cư, khiến nhiều người lên đến nơi lại mất công quay về. Tuy nhiên, hầu hết người nhận lương hưu và trợ cấp vẫn thích dùng tiền mặt.

2 tháng một lần, bà Bùi Thị Thoa lại bắt xe từ Hà Đông sang trụ sở ủy ban nhân dân phường Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng, Hà Nội) để lĩnh lương hưu theo tuất của chồng. Bác bảo vì phải vào trông cháu ở tận Hà Đông nên 2 tháng mới về lĩnh. “Các con tôi ai cũng dùng thẻ ngân hàng, tôi cũng có nhưng vẫn thích đến đây hàng tháng, được gặp bạn bè nói chuyện vui lắm nên tôi vẫn đi xe từ Hà Đông sang đây để lĩnh”, bác Thoa kể.

Mỗi tháng đến phường nhận lương hưu một lần, bà Lê Thị Hoa (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết dù phải chờ đợi nhưng không thấy phiền hà, vì đến đây được gặp bạn bè nhiều khi “quên luôn thời gian”, nên vẫn cứ mong đến ngày lĩnh lương để đến.

Bà Hoa cho biết, mình vẫn có cả thẻ ATM. “Cái thẻ này nó cũng tiện lợi lắm, nếu trước kia tôi về quê hay đi du lịch cứ lo không về kịp để lĩnh lương, nhưng bây giờ thì thoải mái, vì nếu không nhận trực tiếp thì họ chuyển vào tài khoản cho mình luôn”, bà Hoa vui vẻ nói.

Nhận qua tài khoản quá “khiêm tốn” so với tiền mặt

Trao đổi với phóng viên, đại diện Vụ Tài chính kế toán (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, thời gian qua Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai chi trả các chương trình an sinh xã hội theo 1 trong 3 hình thức gồm: trực tiếp từ cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền; thông qua tài khoản tiền gửi của người lao động mở tại ngân hàng và thông qua người sử dụng lao động.

Theo đó, cơ quan này đã xây dựng quy trình chi trả cho người hưởng thông qua: Cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương, đơn vị sử dụng lao động, tổ chức dịch vụ công (bưu điện), tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (ngân hàng thương mại) với 2 hình thức tiền mặt và ATM.

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến hết năm 2018, số người nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản ngân hàng còn thấp so với số nhận bằng tiền mặt (khoảng 75,96%), tỷ lệ đạt khoảng 24,04% trên toàn quốc. Ước thực hiện đến năm 2019, số người nhận qua tài khoản cá nhân đạt 28,47%.

Chia sẻ với phóng viên về những tiện ích khi chi trả qua thẻ ATM, đại diện Vụ Tài chính kế toán cho rằng, việc này giúp người hưởng không phải tập trung nhận tiền và ký danh sách chi trả tại các điểm, giảm áp lực cho cơ quan bảo hiểm xã hội và tổ chức dịch vụ công.

Theo quy trình chi trả hiện tại, cơ quan bảo hiểm xã hội chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản của người lao động. Do đó, họ nhận tiền nhanh chóng, giảm bớt các bước trung gian so với quy trình trải qua chủ sử dụng lao động, điều này cũng hạn chế tình trạng đơn vị sử dụng lao động chiếm dụng tiền chế độ của người lao động.

Hiện nay, hạ tầng thanh toán điện tử được tập trung chủ yếu ở các vùng đô thị đặc biệt, loại 1, loại 2 có hệ thống ngân hàng thương mại rộng khắp, cung cấp nhiều tiện ích, hỗ trợ khách hàng trong giao dịch. Ngoài cung cấp dịch vụ rút tiền mặt, tra cứu số dư, các ngân hàng còn cung cấp cho người nhận tiền nhiều tiện ích khác như chuyển tiền, nộp tiền, thanh toán hóa đơn.

Đại diện Vụ Tài chính kế toán đánh giá, hình thức này khắc phục được yếu tố khách quan trong bảo đảm an toàn tiền mặt trong quá trình vận chuyển và lưu giữ. Bản thân ngân hàng không phải chuẩn bị lượng tiền mặt lớn đưa ra lưu thông, thuận tiện cho người hưởng khi có thể rút tiền ở bất cứ nơi nào có máy rút tiền.

Mặc dù vậy, một trong những khó khăn lớn của việc chi trả qua thẻ ATM là người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng đa phần là người lớn tuổi, không muốn rút tiền tại các máy ATM do sợ rủi ro, trục trặc kỹ thuật khi rút tiền, đặc biệt là tâm lý và thói quen sử dụng tiền mặt.

Bên cạnh đó, các ngân hàng còn thu nhiều khoản phí như phí thường niên, phí rút tiền, phải duy trì số tiền tối thiểu trong tài khoản thẻ. Ngoài ra, việc đẩy mạnh chi trả qua ATM mới chỉ tập trung ở khu vực đô thị. Đối với khu vực thuộc nông thôn, vùng cao thì việc vận động, phát triển nhận chi qua ATM gặp nhiều khó khăn do hạ tầng cơ sở phục vụ của các ngân hàng thương mại chưa đáp ứng được.

Tại Nghị quyết số 02/NQ-CP, Chính phủ giao cơ quan bảo hiểm đến năm 2021 phấn đấu đạt 50% số người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, mai táng phí, tử tuất… sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực đô thị.

Cho rằng, đây sẽ là một thách thức rất lớn của ngành, đại diện Vụ Tài chính kế toán cho biết, để phấn đấu theo Nghị quyết số 02/NQ-CP, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu vận động, khuyến khích phát triển người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua phương tiện không dùng tiền mặt ở khu vực đô thị cho bảo hiểm xã hội các tỉnh giai đoạn 2019-2021. Cụ thể là, năm 2019 đạt 28,47%, năm 2020 đạt 33,12% và năm 2021 đạt 51,86%.

Để hoàn thành mục tiêu, đại diện này cho biết, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ phối hợp và tranh thủ sự ủng hộ của ủy ban nhân dân các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước trong đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cho người hưởng, người lao động hiểu rõ những tiện ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Đồng thời, tới đây cũng sẽ cùng với cơ quan bưu điện, ngân hàng và các đơn vị có liên quan trên địa bàn vận động, khuyến khích phát triển người nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, phù hợp với điều kiện và nhu cầu của người thụ hưởng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

8.00 – 12.00 ngày 10/12/2019, Thời báo Kinh tế Việt Nam, Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước và Công ty Napas sẽ tổ chức Diễn đàn phát triển hệ sinh thái thanh toán điện tử với chủ đề: Chuyển động cùng công nghệ chip.

Diễn đàn do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh và Giáo sư Đào Nguyên Cát – Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam chủ trì và điều hành.