Sự ra đời và phát triển của những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (AR), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, blockchain… đã và đang tạo ra hành trình chuyển đổi số. Trong hành trình đó, ở tầm quốc gia, việc kiến tạo và vận hành các thành phố thông minh, đô thị thông minh là rất cần thiết.
ĐỖ PHONG
Việc ứng dụng công nghệ mới trong xây dựng và phát triển thành phố thông minh, giao thông thông minh đang được nhiều tỉnh, thành phố nghiên cứu và hướng đến; đồng thời thu hút sự vào cuộc của các doanh nghiệp công nghệ.
Hiện nay, trên thế giới cũng như tại Việt Nam, áp lực quá trình đô thị hóa đang hiển hiện rõ ràng, với sự ra đời của ngày càng nhiều “siêu đô thị”. Theo dự báo của PwC, đến năm 2030, trên toàn cầu 43 thành phố sẽ có từ 10 triệu dân trở lên. Và như vậy, hơn cả một xu thế công nghệ, việc xây dựng thành phố thông minh chính là một giải pháp nền tảng để đối phó với những áp lực đó, nâng cao sức cạnh tranh cho từng đô thị, từng quốc gia. Riêng tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng đô thị hóa đã được tăng nhanh từ 19,6% (2009) lên 36% (2018) và dự kiến 45% (2020).
Trước thực trạng đó, chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh là xu thế tất yếu đối với các đô thị để phát triển bền vững, đáp ứng những nhu cầu điều hành của chính quyền, cũng như nhu cầu sử dụng dịch vụ tối ưu nhất, nhanh nhất của người dân, doanh nghiệp. Chuyển đổi số chính là cơ hội lớn để các thành phố phát triển kinh tế, nâng cao mức sống cho người dân.
Để thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội, Chính phủ đã khuyến khích tất cả 63 thành phố và tỉnh xây dựng thành phố thông minh. Đến nay, trên 30 tỉnh/thành đã hợp tác với các đối tác công nghệ để thiết kế và phát triển lộ trình thực hiện thành phố thông minh. Khung tham chiếu CNTT- truyền thông (ICT) phát triển thành phố thông minh cũng đã được Bộ TT-TT xây dựng. Theo đó, nhấn mạnh yếu tố tiên quyết trong việc xây dựng và phát triển các thành phố, đô thị thông minh là phải thông minh hóa các hạ tầng hiện có như giao thông, năng lượng, trường học, y tế, đồng thời tập trung phát triển hạ tầng thông tin, coi hạ tầng thông tin, dữ liệu là xương sống trong phát triển Smart City.
Sau 2 năm triển khai Đề án xây dựng mô hình thành phố thông minh và hiện nay là Đề án xây dựng chính quyền số, Quảng Ninh đang từng bước triển khai thành phố thông minh với CNTT được ứng dụng để tăng cường minh bạch hóa, chịu trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cải thiện, nâng cao tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý, chất lượng, hiệu quả các hoạt động kinh tế- xã hội. Thành phố thông minh sẽ lấy người dân, doanh nghiệp, du khách làm trung tâm. Người dân vừa là người thụ hưởng, vừa là người đóng góp xây dựng, phát triển dịch vụ, đồng thời nâng cao năng lực quản lý, chất lượng và hiệu quả các hoạt động kinh tế – xã hội, tạo môi trường hấp dẫn, thu hút đầu tư, thúc đẩy sự phát triển toàn diện.
Tại hội nghị quốc tế về chuyển đổi số hướng tới xây dựng thành phố thông minh vừa diễn ra, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu cho biết, tỉnh đặc biệt chú trọng việc đẩy mạnh phát triển KH-CN và ứng dụng CNTT, coi lĩnh vực thông tin truyền thông vừa là một nền tảng quan trọng, vừa là nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh, mạnh, bền vững. Quảng Ninh đã được tổ chức công nghiệp điện toán châu Á-châu Đại Dương (ASOCIO) trao giải thưởng danh giá ASOCIO cho chính quyền số, với những thành công và kết quả trong xây dựng chính quyền điện tử.
Bên cạnh Quảng Ninh, từ năm 2014, Đà Nẵng đã ban hành Đề án “Xây dựng thành phố thông minh hơn” và bắt đầu triển khai thí điểm một số ứng dụng thông minh trong lĩnh vực giám sát giao thông thông minh, môi trường, kiểm soát nguồn cấp nước, an toàn thực phẩm, giám sát an ninh trật tự, giáo dục, y tế; chia sẻ dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu mở…, đem lại tác động tích cực trong quản lý, điều hành đô thị. Từ cuối năm 2018, Đà Nẵng đã chính thức triển khai xây dựng thành phố thông minh qua việc ban hành Kiến trúc tổng thể thành phố thông minh và phê duyệt Đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu đến 2030 hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối và đồng bộ với mạng lưới thành phố thông minh trong nước và khu vực ASEAN. Tháng 8/2019 vừa qua, Đà Nẵng đã được nhận Giải thưởng ASOCIO Smart City 2019. Đây là dự ghi nhận và đánh gia cao các nỗ lực của Đà Nẵng trong hành trình xây dựng và phát triển thành phố trở thành thông minh và đáng sống trong khu vực và trên thế giới.
Hiện nay Đà Nẵng, Tp.HCM và Hà Nội đang là 3 thành phố thí điểm trong mạng lưới thành phố thông minh ASEAN.
TBKTVN số 285, ra ngày 28/11/2019 – Trang 14