EPF2019

Định hình lại sandbox: Sandbox không bị “rào” bởi 4 bức tường

Các chuyên gia cho rằng cơ chế thử nghiệm (sandbox) trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng cần được hiểu là các chính sách khung, chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp thử nghiệm và tạo ra những doanh nghiệp dẫn dắt cuộc chơi.

NGÂN HÀ

Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, hệ sinh thái công nghệ tài chính (Fintech) ở Việt Nam phát triển rất nhanh trong những năm trở lại đây. Nếu như năm 2017 chỉ có khoảng 40 công ty thì hiện đã lên đến khoảng 150 công ty với đầy đủ lĩnh vực, nhiều nhất là trong lĩnh vực trung gian thanh toán.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Văn Đức, Phó trưởng Phòng giám sát các hệ thống thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, hiện đang tồn tại một khoảng trống pháp lý đối với Fintech. Đó là thể chế quản lý hoạt động Fintech chưa được đề cập tại bất cứ văn bản pháp lý cụ thể nào; chưa có quy định về đơn vị chuyên trách hỗ trợ xử lý các vấn đề liên quan đến hoạt động của Fintech và đặc biệt là các quy định pháp lý hiện hành liên quan tới hoạt động nghiệp vụ của các tổ chức tín dụng chưa cho phép áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại, đặc biệt là trong lĩnh vực thanh toán như xác thực khách hàng từ xa.

“Do đó, xây dựng sandbox cho lĩnh vực Fintech là nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0 nhất là trong giai đoạn ngắn hạn khi chưa thể ngay lập tức xây dựng được một khung pháp lý tổng thể”, ông Đức nhấn mạnh.

Ông Đức cho rằng, trên thế giới đang có 2 luồng quan điểm. Quan điểm thứ nhất  ở các nước châu Á – Thái Bình Dương như Singapore, đó là ủng hộ cơ chế sandbox vì giúp các công ty Fintech có thời gian thử nghiệm mô hình và đánh giá có an toàn hay không. Quan điểm thứ hai là ở các nước châu Âu, họ quản lý lĩnh vực Fintech bằng các quy định chặt chẽ vì cho rằng điều đó sẽ giúp bảo vệ người tiêu dùng. “Hiện đã có 33 quốc gia ban hành cơ chế sandbox cho Fintech và sẽ tăng lên trong thời gian tới vì một số nước đang nghiên cứu, trong đó có Việt Nam”, ông Đức cho biết thêm.

Đồng tình với việc xây dựng sandbox đang là “thứ” cần cho Việt Nam lúc này song ông Nguyễn Tiên Phong, chuyên gia kinh tế của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho “tinh thần” của sandbox không nên bị bó buộc trong 4 bức tường với những khái niệm đặc thù.

“Nếu quy định sandbox cụ thể là như thế nào thì sandbox sẽ không còn là sandbox nữa. Sandbox phải được xây dựng từ quan điểm “không biết gì” về sandbox, về lĩnh vực hay ngành nghề mới xuất hiện đó thì doanh nghiệp mới có thể tự do sáng tạo, đổi mới và phát triển”, ông Phong nói.

Ông Trần Hữu Huỳnh, nguyên Trưởng ban pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại tỏ ra khá băn khoăn về việc xây dựng cơ chế sandbox hiện nay. “Chúng ta nói thử nghiệm Fintech nhưng lại đặt trong khuôn khổ 4 bức tường. Mà tường này dài ngắn, dày mỏng ra sao hay được làm bằng chất liệu gì chúng ta không hề rõ thì việc xây tường rào sẽ rất áp đặt và gây khó cho doanh nghiệp. Bởi sandbox là để cho thứ mới xuất hiện và dần định hình trên thị trường”, ông Huỳnh nói.

Do đó, điều quan trọng nhất của sandbox, theo chuyên gia đến từ UNDP, là phải cho thấy “tinh thần” học hỏi của người làm chính sách. Dẫn câu chuyện taxi công nghệ như Uber, Grab… đã từng được cho phép thử nghiệm ở một số tỉnh trong vài năm gần đây, ông Phong cho rằng “lẽ ra đến giờ, sau vài năm khống chế thử nghiệm, chúng ta phải đưa ra được khung chính sách và doanh nghiệp Việt Nam cũng phải nắm giữ vị trí nào đó trên thị trường”. “Nhưng tiếc rằng, mấy năm vừa qua, doanh nghiệp Việt đã không học được nhiều cũng không chiếm được thị phần trong khi cơ quan quản lý vẫn chưa nhìn nhận rõ ràng”, ông Phong nói.

Từ sự thành công của Trung Quốc trong việc xây dựng cơ chế sandbox trong thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, ông Phong cho biết những quy định liên quan tới thử nghiệm được Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PoC) đưa ra chưa tới 1 trang giấy, quy định rất chung chung về thử nghiệm e-pay nhưng thể hiện mục tiêu nâng cao tỷ lệ thanh toán không tiền mặt và cho phép doanh nghiệp được tự do thử nghiệm miễn là không phải là hoạt động phi pháp, gây hại cho xã hội… “Chính tư tưởng thoáng trong thử nghiệm và tạo được lòng tin cho những doanh nghiệp chấp nhận rủi ro để tham gia thử nghiệm nên tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt của Trung Quốc đã tăng vọt trong những năm gần đây”, ông Phong nhấn mạnh.

Theo đó, vị đại diện đến từ UNDP khuyến nghị sandbox chỉ nên là chính sách khung, chính sách ống. Phần ngoài khung/ống là màu đỏ, thể hiện “vùng cấm” doanh nghiệp không được phép làm; phần trong khung/ống sẽ gồm các màu xanh và trắng trong đó màu xanh cho phép doanh nghiệp được làm và màu trắng cho phép doanh nghiệp được thử nghiệm. “Trong đó, khu vực màu trắng phải là màu chủ đạo, bao trùm không bị rào bởi những bức tường đặc thù, cản trở sự sáng tạo của doanh nghiệp. Khu vực này phải tạo cơ chế đủ thoáng, đủ an tâm để tạo ra doanh nghiệp đủ lớn dẫn dắt cuộc chơi”, ông Phong nhấn mạnh.

TBKTVN số 284, ra ngày 27/11/2019 – Trang 10