Cần tạo ra những thể chế tốt để thúc đẩy ngành dịch vụ logistics phát triển thông qua việc ứng dụng thành quả từ Cách mạng công nghiệp 4.0…
ANH NHI
Mặc dù đã có những bước phát triển vô cùng ấn tượng trong những năm gần đây song pháp luật điều chỉnh các dịch vụ logistics đặc biệt là e-logistics đang tạo ra những hàng rào cản bước phát triển của ngành dịch vụ này.
“Container chạy Hà Nội – Tp.HCM, rỗng chiều về liên hệ số điện thoại… để được chi phí thấp”; “cần xe đầu kéo bốc hàng từ Sài Gòn đi Bắc Giang liên hệ chi tiết theo số…”, hay “có 4 tấn hàng khô cần chở từ Quảng Bình ra Hà Nội liên hệ với số điện thoại… để trao đổi giá cả…” là rất nhiều status được “rao” khắp các trang mạng xã hội của cộng đồng logistics cũng như hội vận chuyển hàng hoá.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, chủ một tài khoản facebook thường xuyên đăng tải những thông tin này trên các nhóm về logistics cho biết, xu hướng này phát triển khá mạnh trong thời gian gần đây. Nguyên nhân là bởi những lợi ích mà bên cung và bên cầu thu được.
“Nhiều doanh nghiệp vận tải tiết kiệm được chi phí kinh doanh do tận dụng được container rỗng ở chiều đi/chiều về hoặc gom thêm hàng lẻ cho kín container. Trong khi đó, nhiều người có nhu cầu vận chuyển có thể tập hợp với nhau để cùng thuê container vận chuyển hàng nhằm giảm bớt chi phí”, ông Hưng nói.
Cũng chính bởi vậy, cùng với sự xuất hiện của những cộng đồng mạng chuyên về logistics, nhiều start-up đã đẩy mạnh vào việc nghiên cứu, xây dựng những ứng dụng phục vụ những nhu cầu này nhằm tăng cường kết nối giữa công ty logistics, khách hàng và hải quan.
Nhìn nhận về tiềm năng phát triển của ngành logistics, TS.Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng cũng giống như những ngành kinh tế chia sẻ khác, việc áp dụng những thành tựu từ Cuộc cách mạng 4.0 sẽ đem lại nhiều dư địa phát triển cho ngành dịch vụ logistics khi công cụ lao động được tận dụng hiệu quả, quy trình quản trị trở nên hiệu quả giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí kinh doanh, đem lại nhiều lợi ích hơn cho khách hàng.
“Đặc biệt, sự bùng nổ của thương mại điện tử sẽ góp phần thúc đẩy ngành logistics Việt Nam cải thiện phương thức cung cấp dịch vụ ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn thông qua dịch vụ e-logistics”, ông Cung nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Th.S Võ Thị Thanh Linh, Khoa Luật – Đại học Đà Lạt, mặc dù dịch vụ logistics đã được thể chế hóa trong Luật Thương mại 2005 với việc ban hành Nghị định số 163/2017/NĐ-CP và Chỉ thị 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho dịch vụ logistics phát triển nhưng khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động này vẫn còn những bất cập.
“Theo tinh thần của Điều 233 Luật Thương mại 2005, thương nhân chỉ cần thực hiện một trong các hành vi quy định tại điều này đã là thực hiện dịch vụ logistics thì chưa đúng thực tế. Tham khảo các quy định của các quốc gia như Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Singapore… cho thấy các nước đều cho rằng dịch vụ logistics là một chuỗi cung ứng dịch vụ có mắt xích với nhau”, bà Linh cho hay.
Hơn nữa, cũng theo bà Linh, mặc dù Cách mạng công nghiệp 4.0 đã “tràn” mạnh sang lĩnh vực logistics làm xuất hiện dịch vụ e-logistics nhưng các quy định pháp luật của Việt Nam vẫn chưa đề cập tới khái niệm này một cách cụ thể, từ đó đánh giá không đúng vị trí, vai trò của hoạt động này khiến hoạt động này có nhiều bất cập.
“Thêm vào đó, pháp luật quy định hành vi vận chuyển hàng hóa trên đường phải có hóa đơn, chứng từ, tuy nhiên cùng với sự bùng nổ của hoạt động thương mại điện tử mỗi ngày có hàng trăm đơn hàng, có đơn hàng chỉ vài chục nghìn đồng thì thực sự rất khó có thể kẹp hóa đơn cho từng đơn hàng. Như vậy, việc quy định mang tính ràng buộc và không mở rộng cho các dịch vụ e-logistics là không phù hợp với điều kiện thực tế xã hội”, bà Linh nhận định.
Do đó, để phát triển ngành dịch vụ logistics, bà Linh đề xuất cùng với việc hoàn thiện khái niệm về logistics nói chung, Việt Nam cần nhanh chóng làm rõ khái niệm về e-logistics, cũng như hoàn thiện khung khổ luật pháp về điều kiện kinh doanh, quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp logistics và đặc biệt là những quy định liên quan tới thẩm quyền quản lý hoạt động logistics…
Trong bối cảnh Việt Nam đã thông qua Đề án Phát triển kinh tế chia sẻ, ông Cung cho rằng cần tạo ra những thể chế tốt, cơ chế tốt, thuận lợi hơn để thúc đẩy ngành dịch vụ logistics phát triển vượt bậc thông qua việc ứng dụng thành quả từ Cách mạng công nghiệp 4.0.
“Đã có những tranh cãi xung quanh câu chuyện taxi truyền thống và taxi công nghệ. Vì vậy, thay đổi tư duy quản lý chính là đòi hỏi đầu tiên để thúc đẩy ngành này phát triển”, ông Cung nhấn mạnh.