EPF2019

Phát triển hệ sinh thái thanh toán điện tử: Hội tụ sức mạnh từ công nghệ chip

Loạt biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại với các cơ quan quản lý ngành giao thông và bệnh viện… sẽ được ký kết tại Diễn đàn Phát triển hệ sinh thái thanh toán điện tử diễn ra vào ngày 10/12.

VY VY

Số liệu thống kê cho thấy, thanh toán điện tử tại Việt Nam đang dần “cất cánh”. Theo Statista, năm 2017, số lượng thanh toán điện tử tại Việt Nam đã tăng 22% so với năm trước với tổng giá trị giao dịch ước tính vào khoảng 6,1 tỉ USD. Con số này được dự báo sẽ tăng lên 12,3 tỉ USD vào năm 2022.

Tương tự, số liệu từ Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cũng cho thấy sự tăng trưởng ấn tượng khi lượng giao dịch điện tử xử lý qua hệ thống NAPAS năm 2018 đạt hơn 1,3 triệu giao dịch/ngày, tăng 1,75 lần so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị giao dịch thực hiện qua hệ thống NAPAS và các NH trong năm 2018 đạt 3,5 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 166% so với cùng kỳ.

Thống kê của NH Nhà nước về thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động trong quý I năm 2019 cũng cho thấy, số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh Internet tăng 68,8% và 13,4% so với cùng kỳ năm 2018;  qua kênh điện thoại di động tăng 97,7% và 232,3 % so với cùng kỳ năm 2018.

Một trong những lý do khiến thanh toán điện tử tăng nhanh trong thời gian qua là do hình thức thanh toán này mang lại nhiều thuận lợi cho người dân, bởi thay vì phải mang theo ví với nhiều tiền mặt tiềm ẩn rủi ro, người dân chỉ cần mang theo thẻ. Thậm chí, chỉ cần có điện thoại thông minh là có thể thanh toán. Chẳng hạn, gần đây, khá nhiều cửa hàng, siêu thị… ưu đãi lớn cho khách hàng sử dụng QR Code (mã phản ứng nhanh). Với dịch vụ này, khách hàng chỉ cần quét mã QR bằng camera trên điện thoại di động và nhập số tiền thanh toán là giao dịch được hoàn tất. Hệ thống sẽ tự động trừ tiền trong tài khoản NH của khách hàng. Hay các công ty fintech kết hợp với NH tạo ví điện tử để tạo thuận lợi cho người sử dụng trong khâu thanh toán.

Đặc biệt, mới đây loạt NH như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, Sacombank, TienphongBank và An Bình đồng loạt chuyển đổi thẻ thanh toán nội địa từ thẻ từ sang thẻ chip nhằm nâng cao tính bảo mật cho chủ thẻ cũng như tiến thêm một bước trong việc thực hiện mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt nhất là khi Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đang bước sang giai đoạn nước rút. Bởi theo các chuyên gia, với việc tích hợp nhiều mục đích sử dụng, tạo điều kiện phát triển một hệ sinh thái thông minh và tiện lợi từ các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, hệ thống bảo hiểm, thuế, hải quan, và các dịch vụ công khác… công nghệ thẻ chip NH đang được nhiều quốc gia như Malaysia, Nhật Bản, Singapore, Hoa Kỳ… sử dụng.

Mặc dù tăng trưởng ấn tượng, song tỷ lệ thanh toán điện tử ở Việt Nam vẫn rất thấp so với các nước láng giềng. Theo NH Thế giới (World Bank), Việt Nam hiện có số lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất trong khu vực ở mức 4,9%. Con số này thấp hơn rất nhiều so với Thái Lan với gần 60% và Malaysia là gần 90%.

Vậy làm thế nào để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam khi thời điểm 2020 của đề án đã tới gần?

“Diễn đàn Phát triển hệ sinh thái thanh toán điện tử: Hội tụ sức mạnh từ công nghệ Chip” do Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với Vụ Thanh toán – NH Nhà nước và Công ty CP thanh toán quốc gia (NAPAS) tổ chức ngày 10/12/2019 với sự tham dự của 400 đại biểu là đại diện đến từ Quốc hội, Chính phủ, các viện nghiên cứu, trường đại học, hiệp hội… sẽ cùng thảo luận về những giải pháp để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam trong đó có việc ứng dụng công nghệ chip.

Với các tham luận đến từ Bộ Khoa học và Công nghệ trong thúc đẩy ứng dụng công nghệ 4.0 nói chung và công nghệ chip nói riêng vào phát triển kinh tế, hạ tầng và các dịch vụ công; UBND Tp.Hồ Chí Minh về xây dựng thành phố thông minh (smartcity) và vai trò của ứng dụng công nghệ chip; hay trình bày của NH Thế giới về công nghệ chip trong hệ sinh thái thanh toán điện tử: câu chuyện thành công từ thế giới và bài học thực tiễn tại Việt Nam sẽ đem đến những góc nhìn thực tiễn về giá trị mang lại từ ứng dụng công nghệ chip trong phục vụ các ngành kinh tế.

Ngoài ra, đại diện Vụ Thanh toán – NH Nhà nước cũng sẽ có những tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip nội địa của các NH trong năm đầu tiên triển khai. Trao đổi, thảo luận về các khó khăn, thách thức và tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, hướng tới mục tiêu hoàn thành chuyển đổi thành công thẻ từ sang thẻ chip cho toàn bộ thị trường vào năm 2021 theo đúng lộ trình đặt ra.

Đáng chú ý, loạt biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa NH Nhà nước và Bộ Y tế, giữa các NH thương mại với các bệnh viện… sẽ được ký kết tại Diễn đàn Phát triển hệ sinh thái thanh toán điện tử lần này để hình thành nên những “mảnh ghép” quan trọng trong hệ sinh thái thanh toán không tiền mặt của Việt Nam.

TBKTVN số 279, ra ngày 21/11/2019 trang 10