Du lịch Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, nhưng doanh thu từ du lịch vẫn chưa xứng tầm với tiềm năng…
ĐÀO HƯNG – NGUYỄN TUYẾN
Để thực hiện tốt nhiệm vụ biến du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tới năm 2020 – tầm nhìn năm 2030 đòi hỏi sự chung tay góp sức của mọi thành phần, mọi khu vực kinh tế, trong đó có khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn vẫn bủa vây khu vực kinh tế này khi muốn được đồng hành và cống hiến cho du lịch.
Chia sẻ tại Liên hoan các Doanh nghiệp Du lịch Việt Nam – The Guide Awards – lần thứ 20, do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức, TS.Hương Trần Kiều Dung, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn FLC, cho rằng thời gian qua, du lịch Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, nhưng doanh thu từ du lịch vẫn chưa xứng tầm với tiềm năng.
“Trong chiến lược phát triển du lịch định hướng 2020 – 2030, chúng ta cần nguồn lực 90 tỷ USD, trong đó nhà nước chiếm 8 – 10%, còn tư nhân đóng góp 90 – 92%. Điều này khẳng định một điều rằng nếu không có doanh nghiệp tư nhân, không thể đạt được mục tiêu nhà nước đề ra”, bà Dung cho biết. “Từ chủ trương của nhà nước, doanh nghiệp tư nhân có thêm động lực và quyết tâm để đóng góp cho sự phát triển của du lịch. Doanh nghiệp tư nhân muốn tham gia vào các đề án có quy mô phức tạp và chúng tôi hoàn toàn có đủ sức để làm các dự án lớn”.
“Với du lịch, chúng tôi muốn được đồng hành và cống hiến, chia sẻ với các địa phương, góp phần phát triển các khu vực khó khăn trở thành điểm đến lý tưởng. Thời gian đầu, chúng tôi chưa tính đến lợi nhuận mà chú trọng tới sự thay đổi cách làm du lịch tại các khu vực này. Đây là tầm nhìn bền vững để phát triển cho các địa phương”, bà Dung chia sẻ và cho biết thêm rằng, không tính các thủ tục hành chính và thời gian thi công (trung bình khoảng 2 năm), thời gian để thu hồi vốn cho một dự án cơ sở hạ tầng du lịch của FLC là từ 2 – 3 năm.
Dù đánh giá cao sự quan tâm của các bộ ngành tới kinh tế tư nhân, vị lãnh đạo FLC cho rằng hiện vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc. Cụ thể, dù định hướng du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng hiện chưa có những quy định cụ thể về ưu đãi cho doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực du lịch.
“FLC chú trọng đầu tư vào các dự án lớn, đóng góp thay đổi diện mạo cho các địa phương, nhưng chúng tôi vẫn phải làm đầy đủ các thủ tục như một dự án nhỏ mà không có ưu tiên nào hết”, bà Dung chia sẻ.
Bà Dung cũng khuyến nghị nhà nước tiếp tục đầu tư phát triển phát triển hạ tầng du lịch bởi dù có sự quan tâm nhưng vẫn chưa đủ. Bên cạnh đó, đại diện FLC cũng chia sẻ khó khăn liên quan tới vấn đề nhân lực du lịch. Dẫn dữ liệu từ cơ quan quản lý, bà Dung cho biết hiện chỉ có 43% người làm du lịch tại Việt Nam được đào tạo đúng chuyên ngành, trong đó chỉ có một nửa biết ngoại ngữ.
Đồng tình với ý kiến của bà Dung, ông Phạm Hà, Tổng giám đốc Luxury Travel, cho biết ngành du lịch không hoàn toàn là màu hồng mà vẫn còn những nút thắt về thể chế chính sách, nguồn nhân lực chất lượng và hoạt động đầu tư xúc tiến…
“Cá nhân tôi mong muốn có Bộ trưởng Bộ Du lịch. Nếu chúng ta muốn coi du lịch là một ngành kinh tế thì phải ứng xử như một ngành kinh tế. Một trong những điểm thắt là về cơ chế chính sách và phải thống nhất từ trên xuống dưới thì mới vận hành hiệu quả được. Định nghĩa thế nào là kinh tế mũi nhọn, nhọn chỗ nào và thế nào là nhọn, phải rõ ràng thì mới có đường hướng phát triển cụ thể”, ông Hà chia sẻ.
Chia sẻ tại toạ đàm, ông Nguyễn Quang Sơn, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Tập đoàn Paradise Cruises – đơn vị khai thác dịch vụ du thuyền tại Hạ Long, cho rằng hiện Quảng Ninh vẫn còn thiếu nhiều bãi biển, do mới chỉ khai thác tự nhiên. Ông đề xuất tạo ra các bãi biển nhân tạo để du khách có thêm nhiều lựa chọn giải trí.
“Tôi biết rằng tỉnh Quảng Ninh có nhiều ‘của để dành’, hy vọng có thể mở ra để doanh nghiệp tư nhân khai thác nhiều hơn nữa”, ông Sơn nói.
Tại toạ đàm này, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cũng đồng tình rằng Chính phủ cần có những hỗ trợ tích cực hơn nữa cho khối doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, đó không phải là hỗ trợ làm méo mó thị trường mà là tạo điều kiện tốt để họ phát triển. Đồng thời, các doanh nghiệp tư nhân làm hạ tầng du lịch nên kiên kết với nhau để đề xuất các giải pháp lên chính quyền.