Diễn đàn Logistics

Để logistics kết nối các vùng động lực kinh tế

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Việt Tuấn)

Các vùng động lực kinh tế của quốc gia chỉ trở thành động lực khi luồng lưu thông hàng hoá được kết nối thông suốt và hiệu quả…

HÀ VŨ

Một sự kiện đáng chú ý về logistics sẽ diễn ra sáng 7/12 tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Ngành logistics bao gồm các hoạt động dịch vụ chuỗi cung ứng hoàn thiện khép kín từ vận tải, kho bãi đến phân phối hàng hoá, kết nối nhà sản xuất tới người tiêu dùng. Trong thời đại thương mại điện tử và cách mạng công nghệ, ngành này đứng trước thách thức cạnh tranh lớn phải đáp ứng sự thay đổi nhu cầu rất nhanh của khách hàng và của ngành logistic toàn cầu, trong đó có nhu cầu về chi phí và hiệu quả.

Nhưng đó cũng đồng thời là cơ hội để tăng cường năng lực cạnh tranh của ngành logistic quốc gia nói riêng và  các ngành sản xuất, dịch vụ và của toàn nền kinh tế nói chung.

Các vùng động lực kinh tế của quốc gia chỉ trở thành động lực khi luồng lưu thông hàng hoá được kết nối thông suốt và hiệu quả. Các dịch vụ logistic Việt chỉ trở thành thương hiệu tại sân nhà nếu cạnh tranh được về chi phí, thời gian và độ chính xác so với các dịch vụ ngoại.

Khơi thông những hạn chế, tận dụng những cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 để ngành logistics Việt kết nối các vùng tăng trưởng, đó sẽ là vấn đề được bàn thảo tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2018 diễn ra ngày 7/12 tại Quảng Ninh.

Đây là diễn đàn được Bộ Công Thương, Ngân hàng Thế giới phối hợp cùng Thời báo Kinh tế Việt Nam và một số cơ quan khác tổ chức thường niên từ 2013 đến nay.

Bộ Công Thương được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng báo cáo Logistic Việt Nam hằng năm theo Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Báo cáo Logistics Việt Nam 2018, tiếp theo Báo cáo năm 2017, sẽ được công bố tại Diễn đàn này.

Qua 6 lần tổ chức Diễn đàn đã có rất nhiều chủ đề được bàn thảo, nhiều giải pháp được đưa ra để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.

Lần này, diễn đàn được tổ chức tại Quảng Ninh, vùng kinh tế trọng điểm phía bắc, nơi có tiềm năng trở thành cưả ngõ logistic hiện đại của khu vực kinh tế Đông Bắc.

Đây cũng là thời điểm nhìn lại hai năm thực hiện Kế hoạch hành động của Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 với nhiều cơ hội và thách thức mới mang tính toàn cầu từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Bên cạnh những dấu hiệu khởi sắc, cũng bộc lộ những bất cập mà nổi bật là tính liên kết của các doanh nghiệp trong chuỗi logistic.

Số liệu từ Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết hiện nay chỉ có khoảng 1.300 doanh nghiệp hoạt động tích cực trong tổng số khoảng 4.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics quốc tế và nội địa; trong đó có khoảng 1% là doanh nghiệp lớn, số còn lại là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có 360 doanh nghiệp là thành viên của VLA.

Bộ Công Thương nhận định tính liên kết của các doanh nghiệp trong chuỗi logicstics còn thấp; trong khi ngành logistic hiện đại phải tận dụng lợi thế kết nối, liên kết trong chuỗi vận tải, kho vận và phân phối từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng, giảm mạnh chi phí dịch vụ “từ công xưởng” tới phương tiện vận chuyển và từ phương tiện vận chuyển đường dài tới người tiêu dùng (last-mile logistic).

Diễn đàn sẽ trả lời về những thách thức, cơ hội và giải pháp phát triển năng lực logistic ở Việt Nam để kết nối các vùng kinh tế mạnh của cả nước và rộng hơn là trong khu vực.

Theo chương trình nghị sự thì tại phiên toàn thể, diễn đàn sẽ nghe phát biểu của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, lãnh đạo Bộ Công Thương, Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.

Tiếp theo phiên toàn thể là hai phiên thảo luận chuyên đề được tiến hành song song, tập trung vào chủ đề nâng cao năng lực hạ tầng cho logistics, mở rộng thị trường dịch vụ logistics.

Ở chuyên đề thứ nhất, những vấn đề được đặt ra gồm: phát triển Quảng Ninh thành cửa ngõ logistics khu vực Đông Bắc, tiến đến các trung tâm logistics thế hệ mới tại Việt Nam, áp dụng công nghệ blockchain trong logistics, các xu hướng trong logistics hiện đại…

Chuyên đề mở rộng thị trường dịch vụ logistics sẽ có các trình bày về đẩy mạnh kết nối, khai thông thị trường dịch vụ logistics; phát triển dịch vụ last-mile logistics tại Việt Nam; Logistics cho Thương mại điện tử – xu thế và cơ hội; dịch vụ đường sắt kết nối Việt Nam với Châu Âu.

Diễn đàn cũng sẽ chứng kiến lễ ký kết một số bản ghi nhớ hợp tác và công bố báo cáo Logistics Việt Nam 2018.