Thương Hiệu Mạnh

Tư duy mới cho những ngành kinh doanh già cỗi

Ngành du lịch đang lớn vọt lên và “đỡ” cho những ngành xưa quan trọng giờ đang lao dốc không phanh như dầu khí. Thế nhưng chính du lịch đang có nhiều câu chuyện thú vị về marketing và chiến lược kinh doanh mà nổi nhất bắt đầu từ tư duy.

Khi Tugo… nổi loạn

Tugo, một công ty du lịch non trẻ tuổi đời chưa được 3 năm vừa hé lộ là doanh thu đã hơn 400 tỷ đồng/ năm. Tốc độ phải nói là kinh hoàng trong bất kỳ ngành nào, kể cả chính ngành du lịch lữ hành.

Điều gì khiến Tugo được như ngày nay? Để biết được cần có một nhìn nhận toàn diện và thấu đáo mọi mặt. Song có thể nhìn ngay thấy khía cạnh thú vị về marketing trong câu chuyện này.

Cả năm gần đây, khách hàng cứ mở máy tính ra là dễ vấp ngay quảng cáo Tugo. Công ty lữ hành non trẻ này năm rồi cũng được Facebook trao danh hiệu khách hàng chiến lược (thứ chỉ có khi bạn đốt rất nhiều cho họ mà mức tối thiểu được dân trong nghề đề cập đến cỡ hơn 2 triệu USD/quý hoặc 2 triệu USD/năm, tùy ngành)…

Với một tư duy mới, ngay sản phẩm của Tugo cũng là một sự khác biệt khá xa so với các công ty cùng ngành, cùng tour và đích đến.

Như những ước lượng ban đầu thì chi phí marketing của Tugo cỡ ít nhất 10% như nhiều ngành khác. Và nếu vậy thì ngân sách marketing của công ty cũng đã là 40 tỷ đồng/ năm so với công ty khác doanh thu có thể gấp đôi mà chi marketing 1 năm có trên dưới… 1 tỷ đồng; còn nếu tổng chi marketing của Tugo lên 20% tổng doanh thu kia; đâu đó sẽ chắc cũng chừng 100 tỷ/ đồng năm.

Một giám đốc marketing trong ngành du lịch cho hay các công ty lớn không cần marketing thì vẫn bán được “hàng” nên không chi cho phần này. Còn công ty nhỏ nghĩ mình không có tiền nên không chi nốt mà chỉ ra sức giảm giá để câu khách. Trong một rừng tư duy rêu phong như vậy thì cách nghĩ và làm của Tugo quả là… nổi loạn.

Cảm hứng và tư duy mới

Thành công ban đầu và cách tư duy của Tugo có thể là nguồn cảm hứng cho chính ngành du lịch và nhiều ngành khác. Cảm hứng ở đây là hãy đem một cái nhìn, một tư duy mới mẻ và cách làm khác vào một ngành cổ xưa, cũ kỹ và bảo thủ.

Du lịch, khách sạn, theo thống kê chưa đầy đủ đã đạt tổng doanh thu cỡ hơn 22 tỷ USD/ năm 2017 vừa qua, song gần như chưa có nhiều sáng tạo, chưa có nhiều marketing, quảng cáo… Các ông chủ bà chủ có thể doanh thu lớn song không marketing, không đổi mới và cũng chưa biết cách làm việc với những người có thể làm những việc này. Và chắc còn lâu họ mới tỉnh ra được.

Cách làm hiện tại của ngành du lịch hầu như vẫn là sao chép đâu đó trong nước, nước ngoài để hình thành sản phẩm, dịch vụ của mình. Rồi tất cả cùng đua giảm giá; tức cuộc đua “xuống đáy” như một chuyên gia kinh tế đã nói.

Khi làm marketing, rất nhiều đơn vị trong ngành cũng chỉ dùng hàng đổi hàng là chính (barter) chứ không có hoạch định và đầu tư tương xứng cho sản phẩm, dịch vụ của mình. Với hiện trạng ấy, còn vô số đất cho những kẻ muốn nổi loạn hay lật đổ trong ngành này.

Cơ hội của những người mới trong một ngành cũ là tư duy mới, cách làm mới, chứ không phải mới vào là copy tương tự ông cũ rồi giảm giá và tất cả đua xuống đáy. Với nhiều người, những trường hợp như Tugo có giá trị nhất là gợi mở tư duy và cảm hứng để sáng tạo cho nhiều ngành xưa cũ của Việt Nam mở ra được những triển vọng mới sán lạn hơn.

Tác giả: NGUYỄN BÁ NGỌC
Chủ tịch Công ty NBN Media

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *