EPF2019

Hai năm nữa mới hoàn thành chuyển đổi sang thẻ chip, Việt Nam có là điểm trũng trên thế giới?

BizLIVE – Liệu Việt Nam có bị tụt lại so với thế giới hay không khi tới 2 năm nữa mới hoàn thành chuyển đổi sang thẻ chip, trong khi các nước trên thế giới đã đưa vào sử dụng từ lâu?

TRẦN THÚY

“Chắc chắn sẽ rất tốn kém”

Phát biểu tại Diễn đàn phát triển Hệ sinh thái thanh toán điện tử 2019 với chủ đề “Chuyển động cùng công nghệ chip” do Thời báo Kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước và Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia (Napas) tổ chức sáng 10/12, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, thời gian qua Bộ Chính trị đã có Nghị quyết về Cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ cũng có nhiều nghị quyết, chiến lược, chỉ thị, quyết định của Thủ tướng làm sao tận dụng tốt thời cơ của cuộc cách mạnh này.

Phó thủ tướng nhấn mạnh, việc đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt không còn đơn thuần như trước đây là nhằm tăng sự luân chuyển đồng vốn trong toàn xã hội, không để đồng tiền bị chết, không chỉ là vấn đề minh bạch chống rửa tiền tham nhũng mà nếu làm tốt thì sẽ thúc đẩy nền kinh tế internet lên.

Giữa công nghệ chip và công nghệ thẻ từ cũ, ngoài việc bàn về thẻ, thì sự chuyển đổi, theo Phó thủ tướng, nếu chúng ta tiến thẳng một bước thì sẽ không bị lỡ nhịp.

“Hiện nay chúng ta đã chậm rồi. Và để làm việc này không chỉ cần kêu gọi các cơ quan quản lý mà phải từ cả những doanh nghiệp.

Việc chuyển đổi chắc chắn tốn kém. Nhưng nếu có lợi cho đất nước, có ích cho xã hội, thì sự tốn kém ấy về lâu dài sẽ bù đắp lại kinh tế xứng đáng. Quan trọng hơn, đó còn là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, của ngân hàng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Với góc độ nhìn nhận của người làm ngân hàng, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng LienvietPostbank cho rằng, để chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip, chi phí ngân hàng sẽ rất lớn. Đầu tư công nghệ cần có một thời hạn khấu hao, trong khi đó, khi áp dụng thẻ chip, hệ thống về công nghệ phải thay đổi, hệ thống đầu cuối, cây ATM, hệ thống POS cũng phải thay đổi… Đó là những chi phí rất lớn. Ngoài ra, thay đổi thẻ chip lại cho khách hàng cũng cần thời gian.

Đồng quan điểm, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc Vietinbank cho rằng, thách thức lớn nhất đối với các nhà băng trong việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip chính là chi phí.

Khi triển khai thẻ chip, ngân hàng sẽ phải thay thế một loạt máy móc, chi phí phát hành thẻ chip cũng cao hơn thẻ từ rất nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi đều nhận thấy phải chuyển đổi, đồng thời, biến thách thức thành cơ hội. Thẻ chip có thể tích hợp, lưu trữ nhiều thông tin cho khách hàng, đồng bộ thanh toán được nhiều chi phí như giao thông, y tế, giáo dục,…

Hai năm nữa, Việt Nam có là điểm trũng?

Theo lộ trình được đề ra tại Thông tư số 41/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018, Việt Nam sẽ hoàn thành chuyển đổi 100% thẻ nội địa sang thẻ chip vào 31/12/2021.

Thời gian còn lại, theo đó chỉ còn đúng 2 năm nữa. Tuy vậy, trao đổi với phóng viên bên lề Diễn đàn, ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam cho rằng, việc chuyển đổi trong thời gian qua vẫn chưa đạt như mong muốn do mới chỉ có khoảng 10% lượng thẻ được thay thế.

Và câu hỏi đặt ra, là liệu Việt Nam có bị tụt lại so với thế giới hay không khi tới 2 năm nữa mới hoàn thành chuyển đổi sang thẻ chip trong khi các nước trên thế giới đã đưa vào sử dụng từ lâu và công nghệ thì luôn thay đổi không ngừng(?).

Trả lời câu hỏi này, ông Tuấn cho rằng, đúng là công nghệ luôn thay đổi, tuy nhiên, thẻ chip chỉ là nền tảng.

“Trong 2 năm tới, với sự phát triển của nền tảng chip, cùng với những dịch vụ gia tăng trên hệ chip, tích hợp nhiều thông tin, ứng dụng trên thẻ, các ngân hàng sẽ gia tăng nhiều dịch vụ khác, kết hợp nhiều tiện ích khác như y tế , giáo dục trên thẻ ngân hàng”, ông Tuấn nói.

Trong khi đó, dẫn số liệu từ Mastercard International, bà Nguyễn Tú Anh, Chủ tịch Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia (Napas) cho biết, tốc độ phát triển của thẻ chip trên thế giới vẫn đang rất tốt từ nhiều năm qua, và dự đoán năm 2020 vẫn duy trì tốc độ phát triển là 40%.

“Chúng tôi không nghĩ thẻ sẽ dừng phát triển. Tuy nhiên, hệ sinh thái thanh toán điện tử sẽ không thể phủ nhận được vai trò của ví điện tử hay QR. Tất cả những cái đó đều là công nghệ mới, chúng ta có thể áp dụng vào thị trường Việt Nam.

Trên thế giới, thẻ thanh toán chip hiện đang chiếm khoảng 90% nhưng tại Châu Á chỉ là 60%, Việt Nam do đó, không quá lùi lại so với thế giới.

Câu chuyện chuyển đổi của Việt Nam ngày hôm nay cho 3 năm tới sẽ còn rất nhiều việc phải làm và sẽ có một dư địa rất lớn chờ đợi ngành ngân hàng cũng như các ngành kinh tế khách để cùng phát triển”, Chủ tịch Napas khẳng định.

Cũng theo bà Tú Anh, cho tới nay, Napas đã cấp chứng nhận tiêu chuẩn cho hầu hết các ngân hàng trên thị trường. Để hỗ trợ cho thị trường phát triển, Napas cũng đã cung cấp chứng chỉ cho rất nhiều đơn vị cung cấp thẻ trắng, cung cấp thiết bị POS cho thị trường để thị trường ngân hàng có được nhiều lựa chọn tốt nhất khi chuyển đổi thẻ và mở rộng mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ của ngân hàng mình.

“Chúng tôi mong muốn câu chuyện ứng dụng thẻ chip không chỉ là của một mình ngành ngân hàng, bởi thẻ chip là một đa ứng dụng mà trên đó ngoài ứng dụng để thanh toán và dịch vụ tài chính thì còn có thể ứng dụng được thêm những liên thông với các ngành kinh tế khác để đưa các đa ứng dụng vào trong công nghệ như giao thông, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội…”, Chủ tịch Napas nói.

Rõ ràng, câu chuyện mở rộng mạng lưới chấp nhận là một câu chuyện rất lớn cho toàn bộ thị trường, bởi thẻ phát hành ra rồi nhưng mạng lưới chấp nhận thẻ phải được đầu tư và khoản đầu tư này không hề nhỏ.

Tuy nhiên, như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã nói, đây là trách nhiệm của ngành ngân hàng nói riêng và các bộ ban ngành khác nói chung với cộng đồng.

Với sự đầu tư này, kỳ vọng người dân sẽ được thực hiện tài chính toàn diện, người nghèo ở các vùng nông thông cũng sẽ được sử dụng công nghệ ngân hàng trong thanh toán và trong dịch vụ tài chính trong tương lai không xa.

bizlive.vn/ngan-hang/hai-nam-nua-moi-hoan-thanh-chuyen-doi-sang-the-chip-viet-nam-co-la-diem-trung-tren-the-gioi-3529847.html