EPF2019

Lùi thời hạn thu phí không dừng: Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ gia hạn sang năm 2020

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa chủ trì cuộc họp liên quan đến dự án thu phí không dừng (ETC), tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ dự án này. Theo đó, Bộ kiến nghị Thủ tướng sớm chấp nhận đề xuất của Bộ Quốc phòng về việc cho phép Viettel được thành lập DN dự án, làm cơ sở triển khai dự án ETC giai đoạn 2. Bộ GTVT cũng xin gia hạn thực hiện tại các trạm thu phí giai đoạn 2 và giai đoạn 1 thuộc các tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý sang năm 2020 do chậm tiến độ bởi nhiều nguyên nhân khách quan.

TUYẾT NHI

Báo cáo tiến độ dự án, ông Nguyễn Viết Huy, Vụ phó Vụ Đối tác công – tư, Bộ GTVT cho biết: “Do VEC được chuyển sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN, vướng mắc về thẩm quyền nên không ai quyết được nguồn vốn lấy từ đâu để thực hiện lắp thiết bị thu phí không dừng. Vừa qua, Công ty TNHH Thu phí tự động VETC có xin dừng dự án, nhưng điều này không xảy ra, VETC sẽ tiếp tục thực hiện dự án và sẽ tìm đối tác có năng lực để triển khai”.

Vướng mắc do nguyên nhân khách quan

Với dự án ETC giai đoạn 1, ngoài vướng mắc về vốn đầu tư tại 4 tuyến đường cao tốc của VEC, Bộ GTVT cho biết do nhiều nguyên nhân khách quan nên việc triển khai dự án gặp nhiều khó khăn. Trong đó, vướng mắc lớn nhất hiện nay là doanh thu hoàn vốn cho dự án ETC không như dự kiến ban đầu do tiến độ ký hợp đồng dịch vụ, trích doanh thu còn chậm. Ngoài ra, “việc nhiều dự án BOT sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu. Do lưu lượng phương tiện thấp hơn so với dự báo, chưa được tăng phí theo đúng lộ trình trong hợp đồng, việc giảm phí quanh trạm thu phí theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 35/CP cũng làm ảnh hưởng đến nguồn thu của dự án”, Bộ GTVT cho biết.

Đối với dự án giai đoạn 2, triển khai ETC trên 33 trạm thu phí, qua đấu thầu đã chọn được liên danh Tập đoàn Công nghiệp – viễn thông quân đội (Viettel), Công ty CP Vietinf, Công ty CP thương mại dịch vụ viễn thông Việt Vương, Công ty CP công nghệ Tiên Phong (VietinF) là nhà đầu tư thực hiện dự án từ tháng 5/2019. Tuy nhiên, mặc dù đã qua 6 tháng nhưng thủ tục để Viettel thành lập DN dự án vẫn chưa hoàn thành. Bộ GTVT đánh giá “việc chậm thành lập DN dự án của Viettel không phải lỗi của nhà đầu tư BOT nên Bộ GTVT không đủ cơ sở dừng thu phí các trạm không kịp triển khai thu phí tự động không dừng trước ngày 31/12/2019 theo chỉ đạo của Thủ tướng”. “Giai đoạn 1, Bộ GTVT đã ký hợp đồng dự án với hầu hết các nhà đầu tư BOT. Tuy nhiên, việc ký hợp đồng dịch vụ giữa VETC và nhà đầu tư BOT chưa được nhiều trạm.

Còn đối với dự án giai đoạn 2, trong năm nay thành lập được DN dự án, nhà đầu tư cam kết đến tháng 6/2020 sẽ hoàn thành. Còn các dự án của VEC khó cam kết vì phụ thuộc nhiều vào VEC”, ông Nguyễn Viết Huy cho biết. Lý giải thêm về nguyên nhân dự án chậm tiến độ, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, phụ lục hợp đồng Bộ GTVT ký với nhà đầu tư BOT đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, hợp đồng dịch vụ giữa VETC và nhà đầu tư BOT mới được 11/31 trạm được ký kết. Tổng cục Đường bộ VN vẫn đang làm trọng tài để đàm phán. Bên cạnh đó, để giảm bớt khó khăn về tài chính, Tổng cục phối hợp với cảnh sát giao thông, phân luồng phương tiện đi vào làn thu phí không dừng để VETC tăng doanh thu.

Trước đó, khi chỉ còn hơn 1 tháng đến thời điểm bàn giao toàn bộ công tác thu phí sang thu phí ETC, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin gia hạn thực hiện hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí thuộc giai đoạn 2 và các dự án cao tốc do VEC quản lý sang năm 2020.

Đẩy nhanh tiến độ dự án thu phí tự động

Đối với các dự án của VEC, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu có báo cáo chính thức Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN có nguồn vốn để triển khai. “Chúng ta đã cố gắng, nhưng Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN không vào cuộc sẽ không triển khai được. Trong đó, cần báo cáo Chính phủ đến hết năm 2019 dừng thu phí đối với các dự án của VEC để Chính phủ cho chỉ đạo”, Bộ trưởng nhận định.

Các dự án còn lại của giai đoạn 1, Bộ trưởng yêu cầu VETC khẩn trương thực hiện hoàn thành theo đúng tiến độ Thủ tướng đã chỉ đạo. Các đơn vị hỗ trợ VETC hỗ trợ khung pháp lý trong việc yêu cầu chủ phương tiện dán thẻ thu phí không dừng. Đến hết năm 2019, xe nào không dán thẻ sẽ không được đi vào làn thu phí tự động. Tổng cục Đường bộ làm trung gian hỗ trợ nhà đầu tư BOT và VETC ký hợp đồng dịch vụ đồng bộ với hợp đồng giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư BOT. “Đối với dự án giai đoạn 2, Bộ GTVT sẽ nỗ lực tham mưu, đề xuất cơ chế với Chính phủ chủ trương hình thành DN dự án. Nhà đầu tư giai đoạn 2 phải khẩn trương khảo sát toàn bộ 33 trạm thuộc dự án, có giải pháp triển khai ngay. Trong liên danh có DN đủ pháp nhân để mua thiết bị cần chuẩn bị trước thủ tục cho việc này. Chúng ta phải nỗ lực, còn việc dự án chậm do yếu tố bất khả kháng, báo cáo Thủ tướng chỉ đạo”, Bộ trưởng yêu cầu.

Về phía Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại, Bộ GTVT kiến nghị sớm có giải pháp hỗ trợ, tái cơ cấu khoản vay và giữ nguyên nhóm nợ theo phương án tài chính do bị ảnh hưởng bởi chính sách giảm giá, chưa tăng giá theo lộ trình hợp đồng ký kết dẫn đến việc sụt giảm doanh thu tại các dự án BOT, tạo điều kiện thúc đẩy việc ký kết hợp đồng dịch vụ và triển khai dịch vụ.

TBKTVN số 292-293, ra ngày 6-7/12/2019- Trang 16