Diễn đàn Logistics

2018 và điểm nhấn Logistics cho thương mại điện tử

Trong khuôn khổ Diễn đàn Logistics Việt Nam 2018 diễn ra sáng 7/12 tại Quảng Ninh, Bộ Công Thương đã công bố Báo cáo Logistics Việt Nam 2018.

Trong nhiều điểm nhấn, Logistics cho thương mại điện tử là một nét nổi bật trong bức tranh logistics năm 2018…

HÀ VŨ

Trong nhiều điểm nhấn, Logistics cho thương mại điện tử là một nét nổi bật trong bức tranh logistics năm 2018.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Logistics Việt Nam 2018 diễn ra sáng 7/12 tại Quảng Ninh, Bộ Công Thương đã công bố Báo cáo Logistics Việt Nam 2018.

Đây là báo cáo thường niên nhằm rà soát, đánh giá, cung cấp thông tin về tình hình, triển vọng logistics Việt Nam và quốc tế và các quy định chính sách liên quan… góp phần phục vụ công tác quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của các doanh nghiệp và công tác nghiên cứu khoa học và truyền thông trong lĩnh vực logistics.

Báo cáo Logistics Việt Nam 2018 gồm 5 chương: môi trường kinh doanh, dịch vụ logistics, ứng dụng logistics trong sản xuất kinh doanh, các hoạt động liên quan đến logistics. Chương 5 cũng là chương chuyên đề về logistics và thương mại điện tử, một trong những xu hướng và tiềm năng bứt phá của logistics Việt Nam.

Theo nhận định tại báo cáo thì 2018 chứng kiến sự phát triển mạnh của thị trường thương mại điện tử. Quy mô thị trường này năm 2017 (theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2018) đạt 6,2 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng 24%. Ước tính số người tham gia mua sắm trực tuyến là 33,6 triệu người, giá trị mua sắm trực tuyến bình quân là 186 USD/người.

Trong điều kiện đó, các công ty thương mại lớn đều đang xây dựng hệ sinh thái của mình, trong đó logistic là một trụ cột quan trọng, báo cáo viết.

Các tác giả báo cáo cũng chỉ ra điều khá đặc biệt ở Việt Nam là số lượng các công ty nhỏ, hộ buôn bán và các cá nhân sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm vẫn tiếp tục tăng cao, tạo ra nhu cầu dịch vụ giao hàng hoặc giao hàng kết hợp với thu tiền tăng cao đột biến.

Lượng hàng hoá giao dịch qua các kênh trực tuyến tăng nhanh khiến nhu cầu dịch vụ logistics cho thương mại điện tử tăng cao, trên thực tế đang vượt quá khả năng đáp ứng.

Sau nhận định trên, các tác giả báo cáo nêu dự báo của Công ty giao hàng nhanh, số lượng đơn hàng tăng trưởng ở mức trung bình 45% giai đoạn 2015 – 2020 và có thể đạt tới 530 triệu đơn hàng vào năm 2020. Trong khi đó, quy mô thị trường tăng trưởng trung bình 78% trong giai đoạn này và với giá trị (dịch vụ giao hàng) đạt 472 triệu USD vào năm 2020.

Ở chương này, báo cáo cũng nêu những vấn đề mà các doanh nghiệp phải đối diện. Đó là thiếu nguồn cung đầu vào cho dịch vụ, áp lực dịch vụ tốt hơn và chi phí thấp hơn, khung pháp lý trong thương mại điện tử xuyên biên giới, vận tải hàng không và hạ tầng liên quan…

Một trong những vấn đề khác nữa là thanh toán bằng tiền mặt. Báo cáo nêu rõ, Việt Nam sử dụng tiền mặt nhiều nhất so với những nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Điều này dẫn tới rủi ro cho nhân viên giao nhận khi phải mang theo lượng tiền mặt lớn. Cũng vì lý do này mà tỷ lệ giao hàng không thành công cao.

Gợi ý nâng cao năng lực dịch vụ logistic cho thương mại điện tử, các tác giả báo cáo cho rằng cần phát triển các trung tâm logistics hay tổ hợp dịch vụ hàng hoá hàng không. Gợi ý tiếp theo là quy hoạch riêng (bổ sung) hệ thống các trung tâm thực hiện đơn hàng thương mại điện tử cho các đô thị lớn như  Hà Nội và Tp.HCM để có một vành đai các trung tâm phân bố hợp lý xung quanh đô thị, giúp quá trình luân chuyển và tồn trữ hàng hoá nhanh và rẻ hơn.

Các chuyên gia, tác giả báo cáo cũng đưa ra một số gợi ý về đào tạo nhận lực, hoàn thiện khung pháp lý về thương mại điện tử và logistics cho thương mại điện tử.